Nhật Bản: Sức bật mạnh mẽ của sò điệp Thái Bình Dương tại thị trường Mỹ

Mỹ tăng nhập khẩu sò điệp Nhật Bản trong hai tháng liên tiếp (ảnh minh họa). Nguồn: Holtseafood

Theo dữ liệu của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), tháng 10/2023, Mỹ nhập khẩu 2.549 tấn sò điệp, trị giá 46,5 triệu USD, tăng 109% về khối lượng và 122% về giá trị so với cùng kỳ năm trước (1.211 tấn; 20,9 triệu USD). Trong đó, Nhật Bản là nguồn cung lớn nhất với 1.037 tấn, trị giá 20,3 triệu USD, tăng 406% về khối lượng và 359% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. 

Tháng 10/2023 cũng là tháng thứ hai liên tiếp Mỹ gia tăng nhập khẩu sò điệp Nhật Bản. Theo NOAA, giá sản phẩm này cũng có dấu hiệu tăng. Giá nhập khẩu trung bình trong tháng 10 đạt 18,23 USD/kg, tăng 18% so với tháng 9 (15,49 USD/kg) và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022 (17,12 USD/kg). Tuy nhiên, do xuất khẩu sò điệp của Nhật Bản sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023, nên dù sức bật ở tháng 9 và tháng 10 tương đối mạnh, nhưng tính chung 10 tháng đầu năm cả khối lượng và giá trị xuất khẩu vẫn không “theo kịp” cùng kỳ năm trước.

Mặc dù NOAA chưa công bố dữ liệu của tháng 11 và 12, nhưng ông Peter Handy, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty Bristol Seafood cho rằng xu hướng tăng nhập khẩu sò điệp Nhật Bản vẫn tiếp tục trong hai tháng cuối năm 2023, dự đoán khối lượng có thể đạt ít nhất 4.100 tấn.

Tính chung 10 tháng đầu năm, Mỹ nhập khẩu 19.532 tấn sò điệp, trị giá 298,6 triệu USD, giảm 11% về khối lượng và 7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nhập khẩu từ Nhật Bản đạt 5.481 tấn, trị giá 108 triệu USD, giảm 18% về khối lượng và 22% về giá trị. Với con số này, Nhật Bản đã vượt qua Trung Quốc trở thành nguồn cung sò điệp lớn nhất của thị trường Mỹ, chiếm 28% về khối lượng và 36% về giá trị. 10 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc xuất khẩu 4.504 tấn sò điệp sang Mỹ, trị giá 27,8 triệu USD; Canada xuất khẩu 3.954 tấn, trị giá 110,7 triệu USD. 

Một trong những nguyên nhân khiến Mỹ đẩy mạnh nhập khẩu sò điệp là do quy định trong Điều chỉnh Khung khai thác 36 của Mỹ, dẫn tới sản lượng khai thác nội địa sụt giảm. Theo đó Mỹ cắt giảm lượt tàu thuyền ra khơi khai thác sò điệp, khiến sản lượng chỉ còn khoảng 25 triệu pound trong niên vụ 2023-2024 (bắt đầu ngày 1/4/2023, kéo dài đến 31/3/2024). Trong đó, các tàu thương mại chỉ được khai thác khoảng 21,6 triệu pound, giảm 19% so với niên vụ 2022-2023 (26,6 triệu pound).

Theo dữ liệu của NOAA, tính đến ngày 7/1/2024, sau ba tháng vào mùa, các tàu thương mại của Mỹ khai thác được 20,1 triệu tấn sò điệp, đạt 93,08% so với kế hoạch năm. Trong khi đó, ở niên vụ 2022-2023, chỉ trong 9 tháng đầu vụ các tàu mang về 22,7 triệu tấn, đạt con số kỷ lục.

Tuy nhiên, theo Điều chỉnh Khung khai thác 38, niên vụ 2024-2025 (từ 1/4/2024 đến 31/3/2025) hứa hẹn sẽ có kết quả tốt đẹp, sản lượng sò điệp có thể đạt 27,4 triệu pound, trong đó 24,2 triệu pound thuộc về hạn ngạch của đội tàu thương mại.

An Vy

(Theo Undercurrentnews)

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *