Nghệ An: Đến năm 2030, giá trị nông nghiệp chiếm 14% cơ cấu GRDP toàn tỉnh
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, Nghệ An đặt mục tiêu tốc độ tăng trường tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 – 2030 đạt khoảng 10,5 – 11,0%/năm; trong đó, tỷ trọng nông, lâm, thủy sản chiếm 13,5 – 14,0%.
Tỉnh định hướng phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp hiện đại, xanh, sạch, sinh thái, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc ứng dụng các quy trình, công nghệ mới, thông minh, sử dụng hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cơ cấu lại nông nghiệp theo các nhóm sản phẩm chủ lực và vùng sinh thái của tỉnh để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến; thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng của sản phẩm và năng lực cạnh tranh trên thị trường. Tổ chức lại sản xuất, phát triển mạnh kinh tế trang trại, hỗ trợ phát triển hộ sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác; đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Tỉnh Nghệ An chủ trương phát triển mạnh nuôi cá lồng trên hồ thủy điện, hồ đập lớn. Ảnh: ST
Trong đó, không gian phát triển lĩnh vực thủy sản được trải rộng cả vùng là đồng bằng ven biển, vùng núi thấp và vùng núi cao. Cụ thể, với vùng đồng bằng ven biển, tập trung phát triển khai thác hải sản xa bờ, nuôi lồng trên biển, nuôi thâm canh, siêu thâm canh, nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP ven bờ.
Vùng núi thấp, phát triển các hình thức nuôi kết hợp cá – lúa, thâm canh trong ao hồ nhỏ, nuôi bể các loài thủy sản đặc sản có giá trị kinh tế cao. Vùng núi cao, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hình thức nuôi lồng trên diện tích mặt nước các hồ đập lớn, các hồ thủy điện.
Cũng theo Quy hoạch, tỉnh Nghệ An sẽ phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển; gắn phát triển kinh tế biển với việc giữ giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tăng cường liên kết các ngành, lĩnh vực kinh tế biển; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của vùng ven biển. Và trong các ngành, lĩnh vực trọng tâm của kinh tế biển, tỉnh chủ trương phát triển khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá…
Phạm Thu
Bình luận gần đây