Ngành tôm Việt Nam có tiềm năng dẫn đầu thế giới

EMS/AHPND khiến ngành tôm thế giới thiệt hại hàng tỷ USD/năm. Đến nay nguyên nhân gây bệnh đã được phát hiện. Ông có khuyến cáo gì giúp người nuôi tôm tránh được dịch bệnh này?

Để khống chế dịch bệnh thành công, nếu chỉ có người nuôi tự xoay sở sẽ rất khó khăn và bị động. Theo kinh nghiệm nuôi tôm thế giới cũng như kinh nghiệm cá nhân tôi sau quá trình nghiên cứu bệnh học EMS/AHPND, để khống chế thành công bệnh, cần lưu ý vai trò các cơ quan quản lý ngành thủy sản. Trong đó, quản lý con giống từ tôm bố mẹ đến tôm giống là then chốt. Ngay sau khi phát hiện bản chất lây nhiễm của bệnh, nhóm nghiên cứu ở Đại học Arizona đã khuyến cáo cân nhắc ngưng nhập khẩu và di chuyển con giống từ nước đang có dịch bệnh sang nước khác cho đến khi có kiểm tra PCR (Polymerase chain reaction) để kiểm nghiệm tôm giống.

Các cơ quan nhà nước sẽ đóng vai trò quyết định trong tương lai gần, nhằm kiểm soát chất lượng tôm giống bố mẹ hoặc tôm post nhập vào Việt Nam, cũng như kiểm soát chất lượng tôm giống từ các trại giống, từ đó dần loại bỏ nguồn bệnh có thể có từ tôm giống. Ngoài ra, điều tiết của nhà nước về quy hoạch vùng nuôi tôm, hệ thống kênh mương nội đồng, lịch thời vụ… là cực kỳ quan trọng, người nuôi cần tuân thủ, nhằm đảm bảo bền vững nghề nuôi cho cả cộng đồng và từng nông hộ.

Với người nuôi tôm, cần thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn thực hành nuôi đúng quy trình, trại tôm có ao lắng lọc đúng quy cách; có biện pháp nâng cao tính bền vững hệ thống nuôi (đa canh, luân canh); tẩy trùng đúng quy cách trước khi xả thải; tuân thủ lịch thời vụ; không nuôi tôm phá quy hoạch; trình báo cơ quan chức năng khi phát hiện dịch bệnh…

 

Ông và nhóm nghiên cứu đã tìm ra phương pháp chẩn đoán bệnh EMS/AHPND; nhưng vì sao phương pháp này chưa được phổ biến rộng?

Chúng tôi phát triển kỹ thuật PCR dựa trên cơ sở các dòng thuần vi khuẩn gây bệnh do tôi phân lập được ở Việt Nam, đem sang Mỹ phân tích từ tháng 3/2013 đến nay. Đây là việc rất khó, mất nhiều thời gian, tiền. Hiện, phương pháp PCR của chúng tôi khá tin cậy, nên chúng tôi công bố với thế giới. Phương pháp này có thể khá hữu dụng nếu được cơ quan quản lý về thủy sản của các nước ứng dụng nhằm kiểm soát chất lượng tôm giống. Khi đó, chắc chắn lợi ích trực tiếp sẽ đến với người nuôi.

Tiến sĩ Trần Hữu Lộc (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp nghiên cứu bệnh trên tôm

“Sự an toàn về dịch bệnh trong nuôi trồng đa canh hơn hẳn so với nuôi đơn canh” – Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Ý kiến trên do Giáo sư Fitzsimmons, Giáo sư Lightner và tôi nêu trong Hội thảo về bệnh tôm, tổ chức tại Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh 28/6/2013.

Việc bùng phát dịch bệnh, ngoài yếu tố then chốt là sự hiện diện mầm bệnh trong hệ thống nuôi, còn các yếu tố vô sinh và hữu sinh kìm hãm hoặc thúc đẩy sự bùng phát mầm bệnh. Trong đó các yếu tố nhiệt độ, mức độ phú dưỡng, hệ sinh thái vi sinh tự nhiên bao gồm tảo và vi khuẩn, phiêu sinh vật trong ao có vai trò quan trọng nhất. Khi hệ sinh thái này không cân đối sẽ là cơ hội cho mầm bệnh phát triển và gây bệnh cho tôm. Do đó, sự hiểu biết động thái của hệ sinh thái này trong mối tác động qua lại với mầm bệnh EMS/AHPND, theo tôi sẽ là một cơ sở quan trọng để quản lý thành công dịch bệnh này. Do đó, tôi đã liên tục thực hiện các nghiên cứu này ngay từ khi mầm bệnh được xác định và nhận thấy, các biện pháp nhằm nâng cao sự cân bằng hệ sinh thái trong ao nuôi cũng như các biện pháp cắt đứt mầm bệnh trong ao là thực sự có hiệu quả. Đó là nuôi ghép hoặc luân canh và các biện pháp sinh học khác.

Theo tôi, sử dụng kháng sinh sẽ không cho hiệu quả bền vững. Nghiên cứu mầm bệnh EMS/AHPND từ các vùng dịch bệnh tôm ở Việt Nam, tôi thấy mầm bệnh này nhanh chóng kháng các kháng sinh đang được dùng.

 

Ông đánh giá thế nào về ngành tôm Việt Nam?

Việt Nam có tiềm năng rất lớn về mặt nước, khí hậu và con người để trở thành nước sản xuất và xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Người nuôi tôm Việt Nam tiếp nhận khoa học và kỹ thuật rất nhanh. Nếu nâng cao được tính cộng đồng trong nuôi tôm với vai trò quy hoạch và điều tiết của nhà nước thì nghề nuôi tôm Việt Nam sẽ phát triển tốt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của ngành thủy sản của Việt Nam nói chung, ngành tôm nói riêng, là việc phát triển quá nóng…, khiến quy hoạch, cơ sở hạ tầng, tín dụng và cả công tác quản lý, khoa học không theo kịp, dẫn đến nguy cơ rủi ro.

 

Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Để phát triển bền vững, ngành tôm Việt Nam cần phải có một giải pháp tổng thể. Đó là vai trò chủ đạo của nhà nước trong quy hoạch, quản lý, định hướng; vai trò của khoa học trong việc tìm lời giải cho các khúc mắc về kỹ thuật; vai trò các doanh nghiệp cho sự hỗ trợ, phối hợp; và nhất là vai trò của nông dân trong hợp tác thực hiện các quy định chung.

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *