Ngành tôm thế giới: Kiên định phát triển bền vững

3 thách thức

Thoái hóa môi trường, biến đổi khí hậu và dịch bệnh là những thách thức lớn nhất của ngành tôm hiện nay, theo nhận định của các chuyên gia trong Hội nghị thế giới về ngành tôm Infofish 2019 tại Bangkok Thái Lan vừa qua. Robins McIntosh, Giám đốc Công ty Pokphand Foods Public cũng khẳng định, phát triển mô hình bền vững luôn là xu hướng chủ đạo của ngành tôm nuôi suốt hơn 4 thập kỷ qua.  

Nghề nuôi tôm không ngừng thay đổi theo thời gian từ các  mô hình “Thế hệ 1 với đặc trưng ao nuôi rộng 5 – 30 ha, không quạt nước, sản lượng 500 kg – 3 tấn/ha đến những mô hình “Thế hệ 5” với ao nuôi nhỏ, rộng 0,2 – 0,5 ha, tuần hoàn nước, chú trọng kiểm soát môi trường và sản lượng 30 – 60 tấn/ha. Những mô hình nuôi tôm “Thế hệ 5” đang được phát triển tại Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan. Mô hình này đòi hòi tôm giống sạch bệnh, khỏe mạnh, giảm sử dụng thức ăn sống và kháng sinh.

 Dù vậy, tiềm năng của ngành tôm vẫn chưa được khai thác hết và chưa đạt đích bền vững thực sự do quản lý dịch bệnh còn hạn chế. Những vi khuẩn mang mầm bệnh như Vibrio spp đang sinh sôi khi nhiệt độ nước tăng, nhưng mối đe dọa lớn hơn lại chính là dịch bệnh có thể tự xuất hiện. Sự phát triển ồ ạt của các vùng nuôi tôm thâm canh, đặc biệt ở châu Á cùng nhiều trang trại thả nuôi mật độ dày đặc đã khiến cho ngành tôm càng dễ tổn thương hơn trước sự thay đổi của thiên nhiên. 

Khi môi trường chịu áp lực, khắc sinh ra dịch bệnh. Tỷ lệ sống của tôm hiện nay vẫn chưa thể phục hồi về mức trước thời điểm EMS bùng phát, thậm chí ngành tôm vẫn tiếp tục đối diện nhiều rủi ro khó lường hơn. Do đó, một mô hình nuôi tôm bền vững là xu hướng cần thiết và tất yếu. Nhưng trở ngại lớn trên con đường phát triển này là phải xây dựng được các phương pháp nuôi tôm bền vững để giảm thiểu chi phí cố hữu trong khi vẫn tăng sản xuất ổn định và hiệu quả. Ngành tôm cần phải rà soát lại các hướng tiếp cận bền vững đã áp dụng để cải tiến tốt hơn trong tương lai. 

 

Những “điểm sáng”  ngành tôm

Tiến sĩ Somsak Paneetatyasai, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi tôm Thái Lan chia sẻ, nghề nuôi tôm hiện đại của Thái Lan bắt đầu từ giữa thập niên 90 và đã từng đối mặt nhiều thách thức dịch bệnh, sản lượng lao dốc, nông dân sa sút… kìm hãm tăng trưởng chung của toàn ngành. Nhưng được sự hỗ trợ của Cục Thủy sản Thái Lan, các viện nghiên cứu nhà nước, tư nhân, ngành tôm Thái Lan nỗ lực tìm giải pháp nuôi hiệu quả, thân thiện môi trường và không sử dụng kháng sinh bừa bãi. 

Nhờ đó, Thái Lan tiên phong nâng cao an toàn sinh học và sử dụng chế phẩm sinh học để nuôi tôm. Somsak Paneetatyasai cho biết, từ đầu năm 2000, ngành tôm Thái Lan đã nhìn thấy trước nhu cầu giảm phụ thuộc vào tôm giống khai thác tự nhiên, và tăng cường cải thiện năng suất của tôm. Điều này là động lực thúc đẩy các bộ phận tư nhân đầu tư sản xuất tôm giống bố mẹ cải thiện gen nhằm tạo ra các sản phảm tôm post chất lượng tốt nhất. Do đó, tôm giống Thái Lan luôn được bạn hàng tin cậy, đặc biệt sản phẩm của Công ty C.P.  Tiến sĩ Olivier Decamp, Giám đốc Phát triển sản phẩm tại Công ty TNHH Inve Asia Thái Lan đánh giá cao những phương thức nuôi tôm cân bằng dinh dưỡng, sức khỏe và môi trường với trọng tâm bền vững của Thái Lan. Ông cho biết, ngành tôm đang đối mặt rất nhiều thách thức khác nhau. Trong số này, dịch bệnh và giá nguyên liệu rẻ là những nỗi lo muôn thuở của nông dân. Nhưng đây cũng là lý do thúc đẩy nông dân Thái Lan tăng cường áp dụng an toàn sinh học, quản lý môi trường và chất lượng dinh dưỡng thức ăn. 

Ngoài những quốc gia nuôi tôm quá quen thuộc ở châu Á hay Nam Mỹ, Trung Đông đang tìm kiếm chỗ đứng trên bản đồ ngành tôm thế giới. Theo Haydar H Al Sahtout, tư vấn cao cấp Hiệp hội NTTS Saudi, Ả Rập Saudi, ngành tôm tại đây phát triển theo hướng hiện đại hóa công nghệ nuôi và cải tiến phương pháp chế biến đến vận chuyển. Ngành tôm Trung Đông thực chất xuất hiện từ đầu thập niên 90, chủ yếu tập trung dọc Biển Đỏ với đối tượng chính là tôm sú. 

Do tôm sú dễ tổn thương trước dịch bệnh, nông dân Trung Đông đã chuyển sang tôm thẻ vào đầu những năm 2000. Tuy nhiên, dịch bệnh đốm trắng xuất hiện đầu năm 2010 đã khiến ngành tôm Trung Đông buộc phải cơ cấu lại toàn bộ. Tôm thẻ giống SPF xuất hiện, cùng những giải pháp thắt chặt an toàn sinh học, chủ yếu bởi Chính phủ Ả Rập Saudi. Năm 2018, Ả Rập Saudi trở thành nước nuôi tôm lớn nhất vùng, sản lượng đạt trên 65.000 tấn và xuất khẩu tôm sang hơn 30 thị trường quốc tế. Iran đứng thứ 2 với sản lượng ước đạt 46.000 tấn, chủ yếu được nuôi tại các tỉnh phía Nam; Ai Cập đứng thứ 3 với 7.000 tấn.  Ngành tôm Trung Đông đang thu hút đầu tư mạnh mẽ vì có nhiều triển vọng tăng trưởng trong tương lai, đặc biệt dọc vùng biển Đỏ. Công nghệ cao, điều kiện tự nhiên thích hợp đi cùng chính sách thắt chặt an toàn sinh học và sự hỗ trợ từ chính phủ sẽ là bàn đạp để ngành tôm Trung Đông sớm tìm được chỗ đứng ngày càng vững chắc hơn trên bản đồ ngành tôm toàn cầu. 

 

Chìa khóa “an toàn sinh học”

Dù không phải vấn đề mới, nhưng an toàn sinh học vẫn luôn xuyên suốt ngành tôm như một mắt xích quan trọng nhất trên con đường phát triển bền vững. Tiến sĩ Eduardo Leano, điều phối viên Chương trình sức khỏe vật nuôi thủy sản, Mạng lưới trung tâm NTTS tại châu Á – Thái Bình Dương (NACA), Thái Lan, cho biết an toàn sinh học mang lại sự sống cho ngành tôm suốt hơn 30 năm thăng trầm cùng dịch bệnh. Gần 60% dịch bệnh xuất hiện trong trại tôm đều do virus mang mầm bệnh gây ra và 20% do vi khuẩn, trong khi đó dịch bệnh do nấm mốc hay ký sinh trùng chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ. 

Tiến sĩ Eduardo Leano cũng nhận định thách thức hàng đầu trong ngành tôm hiện nay chính là dịch bệnh, đặc biệt là những dịch bệnh mới như vi bào tử trùng do HPM-EHP gây ra; và dịch bệnh do virus gây tỷ lệ tử vong cao như VCMD và SHIV. An toàn sinh học hiệu quả được xem như công cụ hiệu lực nhất để ngăn chặn sự xuất hiện của vi sinh vật mang mầm bệnh trong hệ thống nuôi tôm. Tuy nhiên, nói luôn dễ hơn làm, vì hầu hết các trại nuôi tôm đều hạn chế năng lực ứng dụng giải pháp an toàn sinh học, đặc biệt ở quy mô trại nuôi. Dù vậy, bất chấp những dịch bệnh có sức tàn phá kinh khủng nhất, ngành tôm vẫn có khả năng tiếp tục mở rộng sản xuất nhờ ứng dụng các giải pháp an toàn sinh học cải tiến. 

Tiến sĩ Darryl E. Jory – Liên minh NTTS toàn cầu (GAA)

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *