Ngành tôm: Đẩy mạnh liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị

Chưa phát huy hết tiềm năng 

Theo nhiều chuyên gia, hiện ngành tôm vẫn chưa phát huy được hết những tiềm năng và lợi thế. Bên cạnh hạn chế về nguồn lực tài chính, biến đổi khí hậu thì một trong nguyên nhân chính là mối liên kết và quan hệ hợp tác giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị tôm còn rời rạc, lỏng lẻo và không hiệu quả. Từ đó, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế. 

Phát triển nuôi tôm theo chuỗi giá trị tại tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Mai Thắm

Ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh thông tin, hiện nay nghề nuôi tôm trên địa bàn vẫn gặp một số khó khăn, như việc sản xuất tôm giống tại chỗ hạn chế; các cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống trong tỉnh, sản lượng cũng mới đáp ứng được 70% nhu cầu của các cơ sở nuôi tôm. Bên cạnh đó, công nghệ vùng nuôi chưa phù hợp, năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao; mặc dù diện tích lớn nhưng sản lượng và giá trị thấp; khu vực nuôi tôm quảng canh cần có những đột phá về giải pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ, về con giống. 

Theo các chuyên gia, ngành tôm vẫn chưa phát huy được hết những tiềm năng và lợi thế nên cần phát triển ngành tôm theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, có chất lượng cao. Phát triển các mô hình hợp tác, liên kết dựa trên tổ chức các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành các tổ hợp tác, HTX, chi hội nghề nghiệp để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung, làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt các khâu trung gian. 

Dần hình thành liên kết 

Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đặt mục tiêu xây dựng được 4 mô hình sản xuất theo hình thức liên kết ở 4 phương thức nuôi tôm nước lợ tại 8 tỉnh ven biển có vùng sinh thái khác nhau. Ngoài ra, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho trên 120 cán bộ HTX, tổ hợp tác và người sản xuất; thông tin tuyên truyền để nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hiệu quả. Xây dựng các giải pháp tổ chức, quản lý liên kết sản xuất theo phương thức nuôi tôm nước lợ khác nhau. 

Tại Quảng Ninh, mối liên kết trong sản xuất tôm ở địa phương bước đầu đã được hình thành. Ông Ngô Tất Thắng cho biết, tính đến hết tháng 8/2023, diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đạt 7.500 ha; sản lượng đạt 21.976 tấn, số cơ sở nuôi tôm là 3.012 cơ sở. Nhiều mô hình, công nghệ nuôi tôm mới trên địa bàn được ứng dụng cho hiệu quả kinh tế cao như: Nuôi tôm trong nhà bạt, nuôi nhiều giai đoạn, CPF- Combine, Biofloc, Semi – Biofloc… Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ rà soát và tổ chức lại mô hình sản xuất đơn lẻ theo hộ cá thể thành các mô hình sản xuất liên kết hợp tác, tổ chức cộng đồng hoặc HTX…, nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi. 

Theo ICAFIS, thông qua mô hình liên kết chuỗi, sinh kế của người nuôi quy mô nhỏ được đảm bảo và bền vững hơn, ổn định về thị trường và giá bán, kiểm soát được chất lượng sản phẩm, giảm thiểu dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu… Doanh nghiệp chế biến thủy sản có nguồn nguyên liệu ổn định, có truy xuất và được kiểm soát chất lượng, giảm thiểu các rủi ro trong kinh doanh. 

Đại diện Cục Thủy sản kiến nghị, các cơ sở nuôi tôm cần thay đổi phương thức sản xuất sang các mô hình nuôi tôm thâm canh theo hướng áp dụng công nghệ cao ở các quy mô khác nhau gồm cả quy mô hộ gia đình; áp dụng các giải pháp kỹ thuật như thả giống cỡ lớn, nuôi nhiều giai đoạn, nuôi với mật độ thưa để tăng hiệu quả, nâng cao năng suất và sản lượng nuôi. Việc áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm hiện nay đang hướng tới để sản xuất bền vững và thân thiện môi trường. Địa phương cần tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường gắn với xây dựng thương hiệu; đồng thời, nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng và ý thức pháp luật của các chủ thể trong liên kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ. 

Ông Hoàng Văn Thu, Phó tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả) cho biết, năm 2023, được sự kết nối của Hội Nông dân xã Cộng Hòa với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh tư vấn, các hộ nuôi tôm quy mô vừa tại xã đã thành lập tổ liên kết nuôi tôm thương phẩm với 10 thành viên, tổng diện tích gần 20 ha. Nhờ đó, các hộ có tiếng nói chung khi tham gia phản ánh, kiến nghị những vướng mắc với chính quyền, hay cử đại diện đi đàm phán ký kết hợp tác với các công ty giống, thức ăn, chế phẩm, đầu ra cho con tôm. Từ đó, vừa đảm bảo chất lượng tôm nuôi lại vừa giảm được giá đầu vào, đầu ra được đảm bảo, luôn cập nhập kiến thức nuôi tôm. 

Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản: Đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cần đánh giá, làm rõ được sự khác biệt, lợi ích của mô hình nuôi tôm theo chuỗi liên kết. Các Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có các cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ để tiếp tục nhân rộng mô hình. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục tham gia, hỗ trợ cho các mô hình, để người nuôi tôm thực sự trở thành trung tâm của chuỗi liên kết. 

 

>> Ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới suốt 2 thập kỷ qua. Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ ba thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13 – 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm toàn cầu, xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia với 5 thị trường lớn như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. 8 tháng năm 2023, diện tích nuôi tôm cả nước đạt 715.000 ha; trong đó tôm sú đạt 645.000 ha, TTCT đạt 70.000 ha. Sản lượng ước đạt 657,5 nghìn tấn, tăng 3,9% so cùng kỳ năm 2022. Sản lượng giống đạt 108,5 tỷ con. 

Anh Vũ

 

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *