Ngành tôm Bạc Liêu: Khẳng định thế mạnh xuất khẩu
Rào cản bứt phá
Bạc Liêu hiện có 3 mặt hàng xuất khẩu chính đó là tôm, gạo và muối. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm, chiếm hơn 95% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Trong 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Bạc Liêu đạt trên 676 triệu USD, tăng 7,19% so cùng kỳ năm ngoái; trong đó, tôm đông lạnh ước đạt 659,20 triệu USD, tăng 7,22%. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 48 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu với dây chuyền thiết bị hiện đại và công suất chế biến thiết kế khoảng 294.000 tấn/năm. Các sản phẩm tôm đã được chế biến đạt tiêu chuẩn quốc tế và thâm nhập vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác trên thế giới.
Bạc Liêu hiện đứng vị trí thứ 3 của khu vực ĐBSCL và cả nước về xuất khẩu tôm. Ảnh: PTC
Tuy đạt kim ngạch khá nhưng xuất khẩu thủy sản nói chung, chủ lực là tôm trên địa bàn tỉnh vẫn vấp phải nhiều khó khăn. Ảnh hưởng từ chiến sự giữa Nga – Ukraine kéo dài, hậu quả của dịch bệnh COVID-19 làm suy giảm tăng trưởng kinh tế; giá nguyên vật liệu đầu vào cao; doanh nghiệp mất cân đối vốn; thời tiết diễn biến bất lợi; nguồn nguyên liệu và lao động không ổn định; khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng; các rào cản thương mại của các nước nhập khẩu vẫn còn khắt khe và cạnh tranh với các nước có cùng mặt hàng xuất khẩu như Ecuador, Ấn Độ; suy thoái, lạm phát ở một số thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn làm cho nhu cầu và đơn hàng giảm sâu.
Trong khi, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực kinh doanh còn hạn chế; chưa đủ khả năng nhận biết và tránh né các rào cản kỹ thuật, lúng túng trong việc tìm biện pháp xử lý, tháo gỡ, e dè trong tiếp cận thị trường mới, chỉ chú trọng ở thị trường truyền thống nhưng thị trường này đang chịu sự suy thoái kinh tế mạnh.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu, ngoài khó khăn chính là họ cần tăng cường đầu tư vốn với lãi suất ưu đãi, thì giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, cùng phí vận chuyển, lưu kho cũng trở thành gánh nặng. Thêm vào đó, nguồn nguyên liệu và lao động không ổn định, các rào cản thương mại của các nước nhập khẩu vẫn còn nhiều khắt khe, đẩy một số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh Bạc Liêu vào cảnh rủi ro cao; thậm chí một số đơn vị hiện nay chỉ tồn tại về mặt pháp nhân, còn hoạt động chế biến, xuất khẩu hàng hóa đã cho doanh nghiệp khác thuê.
>> Thực hiện Đề án Xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, đến nay, tỉnh đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu tại xã Hiệp Thành (TP Bạc Liêu) với quy mô 418,91 ha, tổng vốn đầu tư 3.217 tỷ đồng, lớn nhất Đông Nam Á. Tỉnh đã lựa chọn được 9 doanh nghiệp đầu tư vào khu này và đang khởi công xây dựng giai đoạn II. Đây là điều kiện rất thuận lợi để Bạc Liêu thực hiện các hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và công nghệ cao vào sản xuất tôm giống, nghiên cứu quy trình nuôi, nghiên cứu chế biến thức ăn, các ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất chế phẩm sinh học, bảo quản chế biến, đào tạo, tiếp nhận chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển ngành tôm của tỉnh, bán đảo Cà Mau, khu vực ĐBSCL và cả nước.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Theo Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu, để xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm phát triển ngành tôm của cả nước, địa phương đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ đa dạng hóa sản phẩm chế biến, nhất là ở phân khúc chế biến sâu, có giá trị gia tăng
cao; cung cấp kịp thời thông tin về nhu cầu thị trường tiêu thụ cũng như các rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp biết và chủ động trong sản xuất. Tỉnh cũng tăng cường xúc tiến thương mại; tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do để tận dụng các cơ hội tăng cường xuất khẩu vào thị trường mới… Chú trọng việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định.
Cùng với đó là phát triển các vùng nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nuôi tiết kiệm nước, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển mô hình nuôi tôm mới theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất. Phát triển các hình thức liên kết theo chuỗi từ sản xuất giống/ thức ăn, nuôi trồng, chế biến, thương mại, đảm bảo thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại Hội nghị Chuyên đề “Xuất khẩu tôm tỉnh Bạc Liêu năm 2023” mới đây, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho biết, trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đi liền đó là khả năng cạnh tranh cao và bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển có trách nhiệm theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả. Cùng đó, đề nghị các địa phương, các hiệp hội ngành hàng thủy sản tăng cường phối hợp với Bộ Công thương và các Bộ, ngành triển khai một số giải pháp xúc tiến thương mại phát triển thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam như: Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm; duy trì và mở rộng thị trường truyền thống gắn với tiếp cận, khai phá thị trường tiềm năng; hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu sản phẩm tôm Việt Nam; đào tạo, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các địa phương…
Ông Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhận định, để thực hiện thành công Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước trong thời gian tới, đề nghị Sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tại Đề án chủ động, quyết liệt triển khai thực hiện; đồng thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thực hiện các Chương trình, Dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2020 – 2025 đảm bảo tiến độ và hiệu quả.
>> Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều hy vọng và tin tưởng: “Với tiềm năng, lợi thế sẵn có của Bạc Liêu cộng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương; đồng thời đúc kết từ “hiến kế” của các chuyên gia, chúng ta sẽ thành công, sớm đưa Bạc Liêu thực sự trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của Việt Nam và hoàn thành chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1 tỷ USD trong năm 2023 và đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2025”.
Phan Thanh
Bình luận gần đây