Ngành thủy sản đón niềm vui đầu năm

Những con số ấn tượng

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản tháng 2/2024 ước đạt 621.000 tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm, sản lượng cá đạt 455.900 tấn, giảm 0,3%; tôm đạt 64.800 tấn, tăng 4,1%; thủy sản khác đạt 100.300 tấn, tăng 0,4%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 346.400 tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá đạt 246.300 tấn, tăng 3,8%; tôm đạt 54.800 tấn, tăng 6,2%.

Xuất khẩu tôm 2 tháng qua tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: ST

Sản lượng thu hoạch cá tra trong tháng tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước do giá cá tra nguyên liệu duy trì ở mức khá. Cụ thể, tại ĐBSCL giá cá tra nguyên liệu dao động từ 27.000 – 28.500 đồng/kg, tăng khoảng 200-1.000 đồng/kg so với tháng trước. Sản lượng cá tra trong tháng ước đạt 116.400 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng tôm tăng khá do người nuôi chủ động thu hoạch để đáp ứng nhu cầu tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán. Sản lượng tôm thẻ chân trắng tháng 2/2024 ước đạt 33.900 tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 16.200 tấn, tăng 2,9%.

Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản tại các vùng nuôi rất quan trọng. Ảnh: ST

Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng ước đạt 274.600 tấn, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm, cá đạt 209.600 tấn, giảm 4,8%; tôm đạt 10.000 tấn, giảm 5,7%; thủy sản khác đạt 55.000 tấn, giảm 2,7%. Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 262.100 tấn, giảm 5,6% do những ngày đầu tháng Hai trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên ngư dân không ra khơi đánh bắt.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 1.211,1 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 896,1 nghìn tấn, tăng 1,3%; tôm đạt 119,4 nghìn tấn, tăng 4%; thủy sản khác đạt 195,6 nghìn tấn, tăng 1,6%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản thủy sản tháng 2 đạt 620 triệu USD (tăng 1,9%), tích lũy hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 1,37 triệu USD, tăng 28,9%. Một số mặt hàng chủ lực đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm ngoái như tôm 403 triệu USD (tăng 20,5%); riêng cá tra 224 triệu USD (giảm 0,7%).

Bứt phá trong bối cảnh khó khăn

Theo đánh giá của các chuyên gia, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ cuối năm 2023 đã có tín hiệu phục hồi và nhiều khả năng sẽ tăng trở lại trong năm 2024, đặc biệt trong nửa cuối năm. Trong đó, xuất khẩu 2 mặt hàng thủy sản chủ lực là tôm và cá tra, basa sẽ phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2023. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo năm 2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tăng 10 – 15% so với năm 2023, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm, khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm, giá tôm tăng trở lại.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành thủy sản trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Bộ NN&PTNT nhận định: Năm 2024 sẽ tiếp tục là năm nhiều diễn biến bất thường, nguồn lợi hải sản suy giảm. Tình hình an ninh trật tự trên biển diễn biến phức tạp, các nước trong khu vực tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác trên biển, ngư trường khai thác hải sản của ngư dân nước ta bị thu hẹp đáng kể. Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT đã giảm chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản trong năm 2024 chỉ đạt 9,5 tỷ USD (năm 2023 mục tiêu đạt 10 tỷ USD); tổng sản lượng 9,22 triệu tấn, giữ diện tích nuôi trồng thủy sản là 1,3 triệu ha.

Lý giải thêm về điều này, ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết: 2024 là năm có nhiều khó khăn, nhất là việc Ủy ban châu Âu (EC) duy trì giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu chưa có dấu hiệu hồi phục, sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thị trường và lượng tồn kho của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Đối với nuôi trồng thủy sản, ngoài truy xuất nguồn gốc từ cơ sở nuôi đến nhà máy chế biến và xuất khẩu, cần bảo đảm an toàn thực phẩm, sử dụng đúng và tăng cường sản phẩm vi sinh để bảo đảm chất lượng.

Thùy Khánh

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *