Ngành chế biến nông lâm thủy sản Việt chưa xứng với tiềm năng
Công nhân chế biến tôm tại một nhà máy trong nước.
Trong bài tham luận gửi Hội thảo về phát triển ngành công nghiệp chế biến và nông sản sắp diễn ra, lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đánh giá, sự phát triển của ngành chế biến nông lâm thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng. Hội thảo về chế biến và phát triển nông sản nằm trong chuỗi sự kiện thuộc Triển lãm quốc tế về công nghiệp chế biến, đóng gói và bảo quản nông sản, thực phẩm (Vietnam PFA 2019) sẽ được tổ chức tại TP HCM ngày 24-27/7.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn chứng, giai đoạn 2013 – 2018, ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng giá trị khoảng 5-7% mỗi năm. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng mạnh, bình quân tăng khoảng 8-10% một năm, riêng năm 2018 đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD.
Ngành này còn tồn tại những nút thắt trong chuỗi giá trị sản xuất như năng lực chế biến một số ngành hàng còn thấp, công nghệ chưa cao – chủ yếu là sản phẩm thô, chất lượng nguyên liệu và sản phẩm chế biến còn thấp…
Thời gian tới, ngành này có thể đối mặt với nhiều thách thức như sản xuất nông nghiệp dễ chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nguyên liệu phục vụ chế biến chưa ổn định, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước thấp, nông lâm thủy sản Việt Nam quá phụ thuộc vào một số thị trường…
Hiện tại, Việt Nam đã hình thành hệ thống công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên một năm, với trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình… Sản phẩm chế biến nông sản Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 180 nước và vùng lãnh thổ, kể cả những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản… Một số ngành hàng hoặc sản phẩm có thiết bị chế biên hiện đại, mang tầm của khu vực và thế giới.
Với mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 65-70 tỷ USD (bằng 200% so với hiện nay), ngành chế biến phải đáp ứng được nhu cầu của sản xuất và trình độ công nghệ đạt trung bình tiên tiến trở lên, trong đó một số ngành hàng đạt trình độ hàng đầu khu vực và thế giới…
Anh Tú
Bình luận gần đây