Nga muốn nhập lượng lớn nông thủy sản từ Việt Nam

Với mong muốn thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Việt – Nga, ông Maxim Golikov – Trưởng đại diện Thương mại Nga tại VN cho biết, Nga đang có chính sách tăng cường nhập khẩu nông sản từ Việt Nam. Thêm vào đó, lệnh cấm nhập hoa quả từ EU đã thúc đẩy Nga trở về với thị trường Châu Á.

Cụ thể, danh mục hàng loạt mặt hàng Nga đang có nhu cầu nhập như: Cà chua, khoai tây, táo, rau, tôm, cá phi lê, gỗ, cá tra, cá ba sa, chè, cà phê, chè, rau quả, hạt tiêu, điều, cao su, điều… và nhiều loại trái cây khác.

Nga muốn nhập lượng lớn nông thủy sản từ Việt Nam 

Hạt điều nhiều tiềm năng xuất khẩu tới Nga

Ông Maxim Golikov cho biết, từ khi Nga có căng thẳng với EU, doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận Nga tăng lên từng ngày. Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu nêu, có 10 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang bán vào Nga và đến nay con số này đã tăng lên 20 doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Bình Giang, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, trên thực tế, có rất nhiều nông sản, thủy sản ở Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu từ phía Nga đề ra nhưng vẫn còn nhiều trở ngại.

Cụ thể, hàng Việt Nam vào Nga chịu mức thuế cao, vận tải đường dài nên mất lợi thế cạnh tranh, rào cản kỹ thuật quá chặt chẽ, khó khăn trong chuyển đổi đồng Rup sang tiền Đồng, phương thức thanh toán đặt cọc 20 – 30% khiến nhiều doanh nghiệp Việt chìm trong nợ nần…

Vì vậy, ông Giang đề nghị phía Nga chấp thuận danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu nông – lâm – thủy sản vào thị trường Nga do Cục Xuất nhập khẩu cung cấp. Đồng thời tiếp tục đàm phán để mở rộng cơ hội hợp tác cũng như giảm bớt các thủ tục, khó khăn hiện tại để đẩy mạnh cả về chất và lượng nông sản xuất vào Nga.

Về phía Nga, ông Maxim Golikov cho biết, sẽ tiếp tục xin ý kiến từ Chính Phủ Nga về các vướng mắc mà Việt Nam đề xuất, can thiệp để các ngân hàng cho phép đổi tiền Rup sang tiền Đồng dễ dàng hơn…

Phía Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, việc xuất khẩu nông sản vào Nga không phải là quá khó khăn, đặc biệt là khi phía Nga đã có nhu cầu.

Tuy nhiên, ngành chế biến nông sản sau thu hoạch của Việt Nam vẫn kém phát triển chưa theo kịp thế giới, giá trị thu về quá thấp so với tiềm năng. Cụ thể, việc xuất khẩu nông sản vào Nga đã có từ lâu nhưng trong suốt bao năm qua vẫn chiếm tỉ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 1,6% trong tổng lượng xuất khẩu nông sản.

Theo các chuyên gia, muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào Nga phải thúc đẩy công nghiệp chế biến. Đồng thời có sự vào cuộc và phối hợp, hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, đưa ra chính sách nhưng doanh nghiệp cũng phải chủ động đề xuất, tham gia phản biện chính sách của Nhà nước, tham gia tích cực vào quá trình đàm phán, tham vấn để Nhà nước biết được nhu cầu của doanh nghiệp thế nào, bởi chỉ có doanh nghiệp biết rõ thông tin về thị trường, mặt hàng, các khó khăn, thuận lợi của thị trường Nga.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *