Nam Định: Đưa sản phẩm ngao vươn tầm quốc tế
Hiện nay, toàn tỉnh có 70 vùng nuôi thủy sản tập trung, trong đó 500 ha nuôi ngao của Nam Định đạt chứng nhận ASC đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới, góp phần định danh sản phẩm ngao Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Được biết, năm 1992, nghề nuôi ngao ở Nam Định bắt đầu hình thành tự phát bằng giống bản địa. Đến năm 2004 đã có bước phát triển mới khi du nhập và nuôi ngao trắng Meretrix lyrata. Nghề nuôi ngao thực sự phát triển mạnh từ năm 2010 và đến nay đã trở thành đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động tại địa phương.
Thu hoạch ngao tại Nam Định. Ảnh: ST
Tiềm năng phát triển ngao tại Nam Định đã thu hút được sự quan tâm của không ít doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó phải kể đến Tập đoàn Lenger Seafoods, Hà Lan. Đây là trong những tập đoàn thủy sản có uy tín ở châu Âu, với kinh nghiệm nuôi trồng, đánh bắt và chế biến các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ hơn 90 năm. Tập đoàn này đã đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến ngao với dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại tại TP Nam Định và được UBND tỉnh Nam Định cấp Giấy phép đầu tư số 13/GP-NĐ ngày 12/7/2006, hướng tới hình thành ngành công nghiệp thủy sản mới sau tôm và cá tra, trong đó tập trung nuôi trồng, chế biến và kinh doanh thương mại các sản phẩm ngao.
Không chỉ vậy, Lenger Việt Nam còn chủ động xây dựng những chuỗi liên kết với các nhà cung cấp, những người nuôi ngao nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu tốt cho nhà máy. Đầu năm 2020, “Vùng nuôi Liên kết Lenger Farm” quy mô 500 ha ở xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) đã được cấp chứng nhận nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC đầu tiên tại Việt Nam và cũng là đơn vị đầu tiên trên thế giới đạt Chứng nhận ASC cho ngao Meretrix lyrata – chứng nhận quốc tế về nuôi trồng bền vững, an toàn thực phẩm và có trách nhiệm xã hội.
Qua đó khẳng định, trình độ nuôi trồng, sản xuất, chế biến ngao của Việt Nam không thua kém quy trình, công nghệ sản xuất, chế biến của các nước trên thế giới. Đây là tiền đề quan trọng và là cơ hội “vàng” để thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi ngao nói riêng lên một tầm cao mới.
Tính đến tháng 12/2024, toàn tỉnh Nam Định có trên 500 cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP); 137 cơ sở, doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như: HACCP, GMP, VietGAP, ISO…
Tại các địa phương trong tỉnh, 119 vùng nguyên liệu được cấp mã vùng trồng; 53 cơ sở ứng dụng phần mềm nhật ký điện tử để quản lý sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm; 170 doanh nghiệp sử dụng mã QR Code truy xuất nguồn gốc đối với 230 dòng sản phẩm nông sản chế biến. Đáng chú ý, 2 vùng ngao của tỉnh đủ điều kiện thu hoạch cung cấp cho chế biến xuất khẩu, trong đó vùng nuôi ngao 500 ha tại các xã ven biển của huyện Nghĩa Hưng được chứng nhận áp dụng nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC.
Minh Khuê
(Tổng hợp)
Bình luận gần đây