Nắm bắt cơ hội mới cho xuất khẩu thủy sản

Cơ hội tươi sáng hơn

Sau Hội nghị Bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản thích ứng với tình hình mới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Hiện đã có những tín hiệu tác động tích cực đến sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cụ thể như sự phục hồi của một số thị trường chính (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc) trong 3 tháng qua khi doanh số xuất khẩu tôm liên tục tăng; Kết quả tích cực từ đoàn đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá da trơn xuất khẩu của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn Thực phẩm Mỹ – FSIS (Bộ Nông nghiệp Mỹ); Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa chính thức ban hành kết quả sơ bộ cho đợt rà soát lần thứ 19 (POR19) đối với mặt hàng cá tra fillet đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang nước này trong giai đoạn từ 01/8/2021 đến 31/7/2022, trong đó giảm 92,8% thuế riêng rẽ và 94,1% thuế toàn quốc so với POR 17 và 18; Mỹ và Việt Nam chính thức xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện cũng sẽ là động lực xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ.

Các địa phương tăng cường quản lý mọi công đoạn trong nuôi cá tra. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cùng đó, thủy sản Việt Nam có thêm cơ hội thị trường sau tin Nhật Bản xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima khiến nhiều thị trường khác cân nhắc việc nhập khẩu từ Nhật Bản và các nước láng giềng (điển hình như Trung Quốc đã cấm nhập khẩu sản phẩm thủy sản từ Nhật Bản), cơ cấu xuất nhập khẩu thủy sản trên thị trường thế giới có sự thay đổi.

Thêm nữa, giá tôm đã tăng trở lại so với thời điểm giá thấp nhất vào tháng 7 và Ngân hàng Nhà nước đã triển khai gói tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản và thủy sản (15.000 tỷ hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn).

Bám sát sản xuất

Theo chỉ đạo của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để thúc đẩy sản xuất trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang dần phục hồi, nhu cầu tiêu thụ gia tăng trong các tháng cuối năm, sự thay đổi về nguồn cung cho thị trường Trung Quốc, cần có các giải pháp căn cơ về tổ chức sản xuất, quản lý chặt chẽ yếu tố đầu vào, phương án giảm giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh về giá và đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường để nắm bắt cơ hội mới cho xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. Thống nhất hành động trong 3 trục “Chính phủ, doanh nghiệp, người dân”, tranh thủ thời cơ, biến “nguy” thành “cơ”, quyết tâm khắc phục khó khăn, đón bắt cơ hội khi thị trường phục hồi, ổn định sản xuất, chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu trong quý 4/2023 và kế hoạch sản xuất cho năm 2024.

Nuôi tôm công nghệ cao cần được chú trọng. Ảnh: ST

Trong đó, Bộ NN&PTNT chỉ đạo ngành thủy sản cần tăng cường quản lý điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản; Đẩy mạnh nuôi các đối tượng thủy sản có tiềm năng như nuôi cá hồ chứa, cá biển, nhuyễn thể…; Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi; Chủ động và bám sát tình hình sản xuất tại địa phương, khả năng cung ứng nguyên liệu đầu vào cho chế biến…

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản nguyên liệu; kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm thủy sản nhằm nâng cao chất lượng. Chủ động đánh giá diễn biến thị trường, kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp. Tăng cường xúc tiến thương mại, tháo gỡ các rào cản để duy trì ổn định các thị trường truyền thống đồng thời tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ mới cho sản phẩm thủy sản đặc biệt là tôm nước lợ và cá tra.

Cục Thú y quản lý chặt chẽ đối với sản xuất, kinh doanh, lưu thông thuốc thú y, hóa chất, hướng dẫn sử dụng thuốc kháng sinh dùng trong nuôi trồng thủy sản; Tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên tôm nước lợ, cá tra; Làm tốt công tác kiểm dịch giống; Kiểm dịch và kiểm soát chất lượng tôm nguyên liệu nhập khẩu; Xây dựng và phát triển vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh…

Trách nhiệm của doanh nghiệp và người nuôi

Trong kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Tiến cũng đề nghị các doanh nghiệp, người nuôi tôm chuẩn bị sẵn các điều kiện và chủ động sản xuất trong tình hình mới; Nâng cao chất lượng sản phẩm; hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC… nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Tuân thủ các quy định về sử dụng chất cấm, thuốc, hóa chất trong nuôi trồng thủy sản; nâng cao chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc.

Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản quan tâm phát triển các sản phẩm phù hợp (các phân khúc sản phẩm, đa dạng chủng loại phù hợp với nhu cầu tiêu thụ khác nhau trong bối cảnh khó khăn về kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu) để thúc đẩy tiêu thụ.

Ngoài ra, địa phương khuyến cáo người nuôi tôm bổ sung diện tích mới, mật độ thả phù hợp với điều kiện hạ tầng, chất lượng con giống, thức ăn, môi trường, năng lực quản lý để tăng tỷ lệ sống và kích thước tôm thu hoạch, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, tăng năng suất, giá trị sản phẩm. Đồng thời, tăng cường quản lý điều kiện sản xuất và kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm trong nuôi cá tra.

Bên cạnh đó, nhân rộng các mô hình nuôi nhiều giai đoạn, nuôi sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi công nghệ cao… và các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả, giảm chi phí sản xuất, giúp người nuôi, doanh nghiệp giảm thiệt hại và chủ động sản xuất…

>> Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt trên 6,6 tỷ USD, giảm 22,1% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu không có biến động khác và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh thì xuất khẩu thủy sản cả năm dự báo đạt khoảng 9,2 – 9,3 tỷ USD.

Bảo Hân

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *