Mỹ kiểm soát chặt thủy sản nhập khẩu

Mối nguy hại

 90% thủy hải sản tại thị trường Mỹ là hàng nhập khẩu, phần lớn được nuôi ở châu Á và một số nước đang phát triển, nơi áp dụng các tiêu chuẩn quản lý nuôi trồng thủy sản khác nhau và thường xuyên sử dụng hóa chất cấm. Chính phủ Mỹ có thể cấm cửa các lô hàng nhập khẩu trong diện nghi vấn, nhưng chỉ có một phần rất nhỏ thủy sản nhập khẩu được kiểm tra kỹ.

Theo Hopkins, Trung tâm nghiên cứu về sự sống tương lai (CLV) ở Colombia, tôm là loại thủy sản nhiễm chất cấm nhiều nhất. Tiếp theo là cua, cá basa, cá chình và cá rô phi. Hầu hết những loài này đều là thủy sản nuôi. Trong các nước xuất khẩu vào Mỹ, Việt Nam vi phạm quy tắc an toàn vệ sinh thực phẩm nhiều nhất; kế đến là Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Đài Loan, Ấn Độ, Malaysia. Kháng sinh, chất chống nấm, thuốc trừ sâu bệnh, thuốc khử trùng thường bị lạm dụng nhiều nhất trong nuôi trồng thủy sản để kiểm soát dịch bệnh.

Thủy sản nhiễm chất cấm, không chỉ bắt gặp ở thủy sản nuôi tại các nước đang phát triển. Trong một nghiên cứu được đăng trên tờ Science, cá hồi nuôi ở châu Âu hầu như đều nhiễm chất PCBs, loại hóa chất bị cấm sản xuất và sử dụng từ năm 1979. Điều này chỉ ra, hóa chất cấm bị lạm dụng ở cả những nước phát triển.

Nguồn: Daytondailynews

Hàng rào kỹ thuật khắt khe

Không phải ngẫu nhiên Mỹ bị coi là một trong những thị trường khó tính nhất. So với EU, Nhật Bản hay Canada, Mỹ từng là thị trường “dễ chịu” hơn. Thực tế, Cục Quản lý lương thực và dược phẩm Mỹ (FDA) chỉ kiểm tra 2% thủy sản nhập khẩu để phát hiện chất cấm (gồm dư chất thuốc cấm, vi khuẩn và kim loại nặng). Trong khi đó, EU đã tăng cường kiểm soát 20 – 50% thủy sản nhập khẩu, Nhật Bản  18%, Canada 15%. FDA chỉ kiểm tra trong giới hạn 13 loại chất cấm, nhưng EU làm khắt khe hơn, với 34 loại chất cấm. Tuy nhiên, việc quản lý nhẹ tay càng khiến hàng kém chất lượng tràn ngập thị trường.

Luật ghi nhãn xuất xứ (COOL) ra đời, có hiệu lực từ năm 2009, là trở ngại lớn với các nhà xuất khẩu thực phẩm vào Mỹ. COOL yêu cầu hệ thống siêu thị, nơi phân phối sản phẩm, phải chỉ rõ nguồn gốc sản phẩm, từ trại nuôi tới nơi chế biến, xuất khẩu. Quy định ghi nhãn đã làm dấy lên các cuộc chiến pháp lý tại Tòa án Mỹ, tăng thêm tranh chấp thương mại quốc tế ở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ, nhất là Bộ Nông nghiệp, đã tập trung giải quyết minh bạch nguồn gốc thực phẩm cho người tiêu dùng và đẩy mạnh khuyến khích sản xuất thực phẩm nội địa. Năm 2011, Luật An toàn thực phẩm của Mỹ (FSMA) ra đời, bao gồm nhiều điều khoản mới, được coi là công cụ hữu ích giúp FDA kiểm soát thực phẩm nhập khẩu. FSMA quy định thực phẩm nhập khẩu vào Mỹ không chỉ là đối tượng chịu thuế nhập khẩu mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng Mỹ. FSMA mở rộng thêm “quyền năng” của FDA trong kiểm tra, giám sát trại nuôi trồng thủy sản tại nước xuất khẩu, nhằm đáp ứng tiêu chuẩn Mỹ.

Hệ thống rào cản kỹ thuật khắt khe bị lên án là công cụ bảo hộ thị trường, cạnh tranh bất bình đẳng, nhưng có thể thấy hiệu quả của nó trong việc bảo vệ thị trường và người tiêu dùng trước mối nguy hại từ thực phẩm kém chất lượng.

>> Năm 2009, Văn phòng Giám sát Chi tiêu Chính phủ Mỹ (GAO) đã cảnh báo FDA quá coi nhẹ việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, vì chỉ có 0,1% thủy sản nhập khẩu tại Mỹ được thực sự kiểm tra chất lượng. Do đó, một loạt hàng rào kỹ thuật được dựng lên, biến Mỹ thành thị trường khắt khe, khó tính.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *