Muốn làm chủ thị trường, phải tự chủ nguyên liệu


2018 có thể nói là năm “tiền hung, hậu cát” đối với ngành tôm

Ông có thể cho biết khái quát tình hình xuất khẩu tôm từ đầu năm đến nay?

Năm 2018 có thể nói là năm “tiền hung, hậu cát” đối với ngành tôm, khi nửa tháng đầu năm giá tôm liên tục giảm mạnh, sau đó giá tôm bắt đầu nhích dần lên nhất là những ngày cuối năm, nhưng nguyên nhân không phải đến từ thị trường tôm thế giới mà chủ yếu là do một số doanh nghiệp đẩy mạnh gom hàng để kịp phục vụ cho các hợp đồng đã ký kết. Nhìn chung, xuất khẩu tôm năm qua có sự tăng trưởng khá về lượng, nhưng về giá trị thì giảm 5 – 20% (tùy theo doanh nghiệp) so với năm 2017. Do đó, những doanh nghiệp nào có nhiều đơn hàng ở phân khúc thị trường cao cấp, có trình độ tổ chức sản xuất tốt, có dự phòng nguồn tôm dồi dào… mới có mức lãi cao.

Ông đánh giá thế nào về tác động của 2 hiệp định thương mại tự do là CPTPP và EVFTA đối với hoạt động xuất khẩu tôm?

Đối với CPTPP, hầu như không có tác động tích cực thêm đối với xuất khẩu tôm của Việt Nam, bởi các nước có nhập khẩu tôm Việt Nam tham gia CPTPP như: Nhật, Australia, Canada… thời gian qua đều không áp thuế suất lên mặt hàng tôm Việt Nam hoặc thuế suất bằng 0. Riêng EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU) sẽ có tác động tích cực đến ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng rất lớn. Hiện, tôm Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan ở thị trường EU là 10%, trong khi Thái Lan phải chịu mức thuế đến 20%. Khi có EVFTA, thuế suất tôm Việt Nam sẽ về 0%, tạo nên sự chênh lệch lớn với con tôm Thái Lan, giúp tôm Việt Nam càng có lợi thế cạnh tranh hơn, bởi trong số các quốc gia xuất khẩu mặt hàng tôm tinh chế vào EU mạnh nhất hiện chỉ có Việt Nam và Thái Lan.

Tôm sú được đánh giá là một lợi thế tạo nên sự khác biệt của ngành tôm Việt Nam trên thị trường thế giới, nhưng vì sao giá tôm sú thời gian qua vẫn trồi sụt, gây bất an cho người nuôi?

Sự trồi sụt của tôm sú có lý do riêng của nó vì thị trường thế giới không giống như mình đi chợ quê, cứ hễ loại đặc sản là có giá cao. Đối với thị trường thế giới, muốn bán được giá tốt nguồn hàng phải ổn định cả về số lượng, chất lượng và kích cỡ. Nếu không đáp ứng được các tiêu chí này, cho dù là hàng đặc sản họ vẫn mua theo giá trôi nổi. Riêng thị trường Trung Quốc, cỡ tôm sú được tiêu thụ phổ biến phải từ 30 con/kg trở lại, còn nhỏ hơn nữa họ rất ít mua, nên muốn ổn định giá tôm sú ngoài việc ổn định diện tích (để ổn định sản lượng) còn phải nuôi size cỡ lớn, ít nhất cũng 30 con/kg mới dễ bán.

Hiện nhiều nước đã quen ăn tôm thẻ chân trắng và nhiều doanh nghiệp đã không còn làm tôm sú, nên giá tôm sú trên 35 con/kg có giá rẻ hơn cả tôm thẻ. Ngay như ở Sóc Trăng cũng chỉ một vài doanh nghiệp có hợp đồng tôm sú, còn cả nước chỉ có Minh Phú là có hợp đồng tôm sú nhiều nên họ có lợi nhuận cao từ mặt hàng này. Vì vậy, lẽ ra trong 5 tháng đầu năm khi tôm sú có giá, người nuôi ồ ạt chuyển sang nuôi tôm sú chúng ta phải có khuyến cáo ngay không được thả nuôi mật độ cao, phải thả thưa để thu tôm cỡ lớn thì giá tôm sú sẽ không giảm mạnh như những tháng cuối năm.

Hiện có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm phát triển vùng nuôi riêng. Theo ông đây có phải là tín hiệu tốt?

Xu thế nuôi tôm đối với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hiện là tất yếu, vì chỉ có tổ chức nuôi tốt mới chứng minh được với khách hàng về tính tự chủ nguyên liệu sạch, truy xuất được nguồn gốc. Khi chứng minh được điều này, sản phẩm mới vào được những hệ thống lớn, có giá tốt. Hay nói cách khác, các nhà máy muốn bán được giá cao dứt khoát phải tổ chức nuôi tốt. Nếu tất cả các doanh nghiệp đều nuôi tốt cho dù xu thế giá tôm thị trường có giảm, thì giá bán của tôm Việt Nam cũng không bị giảm mạnh.

Theo ông, giá tôm trong những tháng đầu năm 2019 sẽ diễn biến theo chiều hướng nào?

Theo dự báo, năm 2019 không có dịch bệnh lớn, người nuôi có thể an tâm. Cùng đó, mùa mưa ở ĐBSCL năm nay dứt sớm, cộng thêm dự báo năm 2019 Việt Nam sẽ xuất hiện El Nino, sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc thả nuôi sớm và nhiều. Không chỉ có Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador cũng được dự báo sẽ tăng sản lượng tôm, nên có thể giá tôm những tháng đầu năm 2019 sẽ khó tăng mà khả năng chỉ tương đương như hồi cuối năm 2018. Hơn nữa, giá tôm trong những tháng đầu năm thường phụ thuộc nhiều vào sức tiêu thụ trong dịp Noel và Tết Dương dịch; nếu sức tiêu thụ của 2 thời điểm này mạnh, tình hình xuất khẩu tôm đầu năm sẽ sôi động, giá sẽ tăng và ngược lại.

Trân trọng cảm ơn ông!

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *