Mùa tôm mới bắt đầu hứa hẹn tốt đẹp
Tích cực chuẩn bị vụ nuôi mới
Tết Nguyên đán, tình hình thời tiết có phần ổn định hơn, biên độ nhiệt ngày và đêm thấp, nắng nóng không quá gay gắt và độ mặn trên hệ thống kênh, rạch vùng nuôi tôm lên nhanh, nên rất thuận lợi cho người dân tiến hành thả giống vụ nuôi mới năm nay.
Theo lịch mùa vụ nuôi thủy sản năm 2024 được Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam ban hành, nuôi tôm nước lợ ở vùng triều ven sông thuộc TP Hội An, TP Tam Kỳ, thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên, huyện Thăng Bình và một số vùng nuôi thuộc huyện Núi Thành bắt đầu từ ngày 15/2/2024. Ghi nhận bước đầu cho thấy, nông hộ cải tạo ao nuôi kỹ càng những ngày qua, tình trạng “đánh bạc với trời”, “phá rào” nuôi tôm trước lịch được hạn chế, xu thế nuôi tôm an toàn sinh học được đề cao.
Ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, đối với những ao nuôi tôm kém hiệu quả, người nông dân nên chuyển sang hình thức nuôi ghép như cua – tôm – rong, tôm – cá hoặc nuôi chuyên cua, cá nước lợ (cá dìa, cá đối mục, cá măng…).
Năm nay, do độ mặn lên sớm và khá nhanh, nên tại một số vùng nuôi trong khu vực ĐBSCL tiến hành thả nuôi sớm hơn so với mọi năm. Tại Sóc Trăng, các trang trại lớn như: Sao Ta, Vinacleanfood, Khánh Sủng, hay những hộ nuôi quy mô nhỏ hơn là khách hàng nuôi tôm ao lót bạt, đều tiến hành thả nuôi ngay từ khi kết thúc năm dương lịch 2023.
Như trường hợp của Sao Ta, thông thường sau Tết Nguyên đán mới tiến hành thả giống, nhưng năm nay, toàn bộ diện tích 2 khu nuôi được thả giống, gần như đã hoàn tất trước Tết Nguyên đán. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sao Ta chia sẻ: “Do dự báo thời tiết không lạnh nhiều dịp giáp Tết, cùng với đó là nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ không đủ điều kiện thả nuôi từ vụ cuối năm ngoái, nên Sao Ta quyết định thả nuôi sớm, để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến trong 3 tháng đầu năm”.
Tại tỉnh Cà Mau, nơi có diện tích tôm nước lợ lớn nhất cả nước, đến nửa đầu tháng 2, hầu hết diện tích nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến, đã thả nuôi gần như hoàn tất, số diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh đã thả giống, cũng tăng hơn so với cùng kỳ.
Với người nuôi tôm tại Kiên Giang, không khí thả giống vụ tôm mới cũng bắt đầu nhộn nhịp, ngay từ sau ngày mùng 4 Tết trên 4 huyện tôm – lúa vùng U Minh Thượng. Điểm đáng ghi nhận là phần lớn hộ nuôi đều chọn con giống có thương hiệu như Moana, dù giá lên đến 180 đồng/con. Năm nay, Kiên Giang đặt mục tiêu thả nuôi 136.000 ha; trong đó, nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến 9.000 ha, nuôi thâm canh công nghiệp 518 ha, còn lại chủ yếu là tôm – lúa.
Ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, bà con nuôi tôm ở tiểu vùng 3 và 4 trên địa bàn huyện đang tất bật chuẩn bị cải tạo ao, khôi phục cơ sở hạ tầng trong ao nuôi và các điều kiện cần thiết để xuống giống, với hy vọng vụ nuôi tôm năm 2024 sẽ thuận lợi, sẽ đạt kết quả tốt nhất. Theo chia sẻ của các hộ dân, khi cải tạo lại ao nuôi xong, sẽ thăm dò tình hình nước mặn như thế nào, nếu đủ độ mặn sẽ đưa nước vào ao lắng, sau đó xử lý nước sạch, đạt tiêu chuẩn, đủ điều kiện, thích hợp với tôm thẻ chân trắng, từ đó đưa vào ao nuôi để chuẩn bị xuống giống. Theo kinh nghiệm của các hộ nuôi tôm thì từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch là thời gian thuận lợi để thả giống, vì thời gian này, thời tiết ổn định, dịch bệnh ít xuất hiện, dễ nuôi, năng suất đạt khá cao.
Tăng cường các giải pháp nuôi hiệu quả
Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Năm 2024, toàn tỉnh đặt mục tiêu nuôi 2.250 ha tôm các loại. Trên cơ sở chỉ đạo của Sở NN&PTNT tỉnh, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát tốt chất lượng các yếu tố đầu vào trong nuôi trồng thủy sản (giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường của các đại lý cung ứng trên địa bàn), kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm. Cùng đó, triển khai thực hiện kế hoạch quan trắc và cảnh báo môi trường trong nuôi tôm mặn, lợ; phối hợp thực hiện công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản”.
Do thời tiết thuận lợi, nên trang trại Công ty Sao Ta năm nay thả nuôi sớm, để chủ động tôm nguyên liệu phục vụ chế biến lúc thấp điểm Ảnh: An Xuyên
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo người nuôi tăng năng suất trên một đơn vị diện tích bằng các giải pháp như: Lựa chọn nguồn giống tôm chất lượng, áp dụng quy trình nuôi tiên tiến; nâng cấp ao đầm nuôi bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Ngoài ra, các địa phương cần tổ chức hướng dẫn, khuyến cáo sử dụng giống tốt, kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống, mùa vụ nuôi, sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học bảo đảm; tăng cường công tác quản lý môi trường và phòng ngừa dịch bệnh; tăng cường quản lý cộng đồng các vùng nuôi tập trung gắn với sản xuất theo chuỗi, có kế hoạch tiêu thụ thống nhất toàn vùng, để tránh tư thương ép giá…
Trước những dự báo thị trường xuất khẩu tôm sẽ gặp khó khăn, cùng với đó là dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, cả doanh nghiệp lẫn ngành nông nghiệp các địa phương đều khuyến cáo người nuôi không nên thả nuôi ồ ạt. Sự thận trọng là cần thiết, bởi hầu như các yếu tố đầu vào, đầu ra của ngành tôm, hiện vẫn còn là những biến số rất khó lường, mà theo dự báo từ nay cho đến hết quý II/2024 sẽ nghiêng về khó khăn nhiều hơn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm vượt khó nhiều năm, người nuôi tôm đã có sự thay đổi đáng kể cả về mô hình, quy trình nuôi, hay cách phòng ngừa dịch bệnh, để hướng tới những vụ nuôi thành công.
Hy vọng mọi thứ sẽ được người nuôi cân nhắc, đảm bảo sự khởi đầu vụ nuôi mới được suôn sẻ, tạo tiền đề tốt để ngành tôm vượt khó, về đích đúng như kế hoạch trong năm 2024 này.
An Xuyên
Bình luận gần đây