Mô hình nuôi khép kín giúp ổn định nguồn nguyên liệu cá tra ở Đồng Tháp
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Nhà máy chế biến đông lạnh cá tra,của Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Đa Quốc gia (IDI). Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Liên kết của doanh nghiệp với hộ nuôi
Ngành hàng cá tra là một trong năm ngành hàng tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Diện tích nuôi cá tra theo mô hình khép kín của các doanh nghiệp có tham gia liên kết hộ nuôi với doanh nghiệp theo hai hình thức: ký kết hợp đồng tiêu thụ và hình thức nuôi gia công cho công ty.
Trước đây, diện tích nuôi cá tra đều do nông dân phát triển tự phát, quy mô nhỏ lẻ, các nhà máy chế biến phát triển ồ ạt, thiếu liên kết với vùng nuôi, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, gây bất ổn thị trường. Nhưng hiện nay, nuôi cá tra ở Đồng Tháp đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng cá tra. Các doanh nghiệp chế biến đã tái cơ cấu lại trong nội bộ ngành, những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, quản trị tốt và có thị trường đã thu mua lại các doanh nghiệp yếu, thiếu thị trường tiêu thụ.
Đồng thời, triển khai liên kết xây dựng vùng nuôi nguyên liệu, khép kín từ khâu cung ứng vật tư đầu vào đến khâu tiêu thụ-chế biến và xuất khẩu. Nổi bật nhất là Công ty TNHH Hùng Cá một trong những Công ty ở tỉnh Đồng Tháp tiên phong trong việc phát triển thế mạnh mô hình liên kết nuôi cá tra theo chuổi giá trị.
Từ nuôi trồng, chế biến xuất khẩu, sản xuất thức ăn, bột cá và dầu cá tra có quy mô lớn và uy tín ở Việt Nam, công ty có vùng nuôi hơn 740 ha, giúp cho hàng trăm hộ nuôi theo chuỗi giá trị ở 5 huyện: Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh và Tân Hồng, đa số các vùng nuôi đạt chuẩn VietGAP, Global GAP và ASC. Các nhà máy chế biến đều đạt chuẩn về an toàn thực phẩm: HACCP, HALAL, BRC, ISF và ISO 22000, sản phẩm cá tra của Công ty được xuất khẩu hơn 80 quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh đó, để giải quyết phần nguyên liệu còn thiếu, nhiều công ty đã đã xây dựng một hệ thống “vệ tinh” trong vùng bằng cách ký kết hợp đồng với người nuôi. Công ty cung cấp thức ăn và cử kỹ thuật viên hướng dẫn, theo dõi trong suốt quá trình nuôi cho đến khi thu hoạch. Tự chủ nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp góp phần giải quyết khó khăn khi cần thiết, giúp cho các nhà máy được hoạt động thường xuyên đủ lượng hàng được ký kết xuất khẩu.
Đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, tổng diện tích nuôi cá tra áp dụng và được chứng nhận các tiêu chuẩn hơn 800 ha với các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, BAP, ASC. Số liệu Sở Công Thương Đồng Tháp cho thấy, tỉnh có 20 nhà máy chế biến thủy sản với tổng công suất thiết kế hơn 467.000 tấn thành phẩm/năm.
Ông Lê Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Tháp cho biết, theo Nghị định 55/2017/NĐ-CP về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra có hiệu lực từ đầu tháng 7/2017 có một số điểm mới và tác động đến tổ chức cá nhân nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra. Đối với bãi bỏ thủ tục hành chính quy định việc đăng ký nuôi cá tra thương phẩm.
Trước khi thả giống, các cơ sở nuôi không phải đến Chi cục thủy sản để đăng ký xác nhận nuôi cá tra thương phẩm như trước đây. Từ đó, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho người nuôi được thuận lợi. Khuyến khích các cơ sở nuôi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và các chứng chỉ quốc tế phù hợp trong nuôi cá tra thướng phẩm.
Việc quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm cá tra chế biến có điều chỉnh thông số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc xuất khẩu. Đối với các tổ chức, cá nhân nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra phải thực hiện lưu trữ hồ sơ truy xuất nguồn gốc với thời gian lưu trữ 24 tháng kể từ ngày thu hoạch hoặc xuất bán, giúp dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Từ đó, cá tra được khách hàng nước ngoài ưu chuộng là nhờ các doanh nghiệp và nông dân nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP,… đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu… và sản phẩm cá tra đã có mặt gần 100 thị trường trên thế giới. Hiện nay, tỉnh có 24 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu với tổng công suất hơn 429.000 tấn thành phẩm/năm, đa số các nhà máy điều đạt chuẩn HACCP, ISO… và code thị trường EU.
Để góp phần cung cấp cá tra nguyên liệu ổn định và chất lượng nhờ vào nguồn giống ổn định, cung cấp đủ cho người nuôi. Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có hơn 1.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cá tra; trong đó, có 76 cơ sở sản xuất và 1.150 cơ sở ương giống, tập trung tại các huyện Hồng Ngự, Cao Lãnh, Châu Thành.
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến đầu năm 2018, tổng đàn cá tra bố mẹ của tỉnh hơn 207.000 con, đã sản xuất hơn 2,2 tỷ con cá tra bột, không chỉ cung cấp trong tỉnh mà còn cung cấp cho các tỉnh lân cận.
Để ổn định vùng nguyên liệu cá tra thương phẩm, tránh nuôi trồng tràn lan làm ảnh hưởng đến giá cá thị trường hoặc dư thừa cá nguyên liệu, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm việc đào ao nuôi cá tra ngoài vùng quy hoạch.
Hiện nay, nuôi cá tra ở tỉnh Đồng Tháp đạt năng suất bình quân 350 tấn/ha. Theo ông Lê Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, bình quân mỗi kg cá tra nuôi với giá từ 22.000-23.000 đồng/kg, người nuôi có lãi từ 2.000-3.000 đồng/kg. Như giá cá tra hiện nay hơn 30.000 đồng/kg thì người nuôi có lãi từ 5.000-8.000 đồng/kg.
Tỉnh Đồng Tháp đã quy hoạch đến năm 2020, tổng diện tích mặt nước nuôi cá tra là 2.000 ha, sản lượng ước đạt hơn 541.000 tấn/năm, là một trong 5 ngành hàng chủ lực đã được tỉnh Đồng Tháp chọn thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Bình luận gần đây