Mô hình nuôi ếch xen trong vườn dừa

Tận dụng phần đất trống giữa các hàng dừa và mặt nước sẵn có trong vườn, chàng trai 31 tuổi Lê Chí Dũng ở ấp Tiên Đông – xã Tiên Long (Châu Thành) đã thành công với mô hình nuôi ếch. Hiện cây dừa đang ở giai đoạn đâm “lưỡi mèo” nhưng vẫn có nguồn thu nhập đảm bảo ổn định cuộc sống gia đình…

Nuôi ếch

Theo anh Lê Chí Dũng, cách đây khoảng 6 năm, anh đến các điểm bán ếch giống học hỏi kỹ thuật nuôi và quyết định mua 2.000 con ếch con, với giá 1.000 đồng/con về nuôi. 6 công đất của gia đình từ vườn tạp được chuyển dần sang chuyên canh cây dừa. Anh Dũng đã tận dụng phần diện tích đất giữa hai cây dừa trồng, mua vải mủ về phủ lên mặt đất và dừng lên cao hơn mặt đất 1m. Lúc đầu, anh chỉ nuôi 2 ô, với mật độ từ 80-100 con ếch/m2. Nước trong ô nuôi luôn giữ ở mức từ 1-1,5 tấc. Bè được làm bằng cây bện lưới thả nổi lên mặt nước để ếch ngồi. Ếch nuôi 60-70 ngày, trọng lượng đạt từ 4-6 con/kg. Tỷ lệ hao hụt khoảng 20%. Trong suốt thời gian nuôi, anh Dũng luôn tìm tòi, học hỏi kỹ thuật từ các hộ nuôi tiên phong và tham gia lớp tập huấn do Hội Nông dân xã Tiên Long phối hợp tổ chức. Ếch nuôi đến thời điểm bán thịt, anh tuyển chọn và giữ lại 20 con ếch cái để cho sinh sản. Quan sát đến giai đoạn ếch cái có khả năng sinh sản, anh mua 20 con ếch đực về thả cho chúng bắt cặp. Chiều thả cho ếch đực và ếch cái sống chung để tối bắt cặp. Sáng hôm sau, ếch đẻ trứng. Cả ếch bố và ếch mẹ đều được cách ly khỏi trứng. Mỗi con ếch sinh sản trung bình từ 4.000-5.000 trứng. 1 ngày sau khi đẻ, trứng chuyển sang nòng nọc. Ngày tiếp theo nòng nọc biết bơi lội và 5 ngày sau tự tìm kiếm thức ăn.

Khoảng 40 ngày tuổi, ếch con phát triển to hơn ngón tay cái và có thể xuất bán để nuôi ếch thịt. Cũng từ đây, anh Dũng đã mở rộng dần số lượng ô nuôi. Không chỉ phần diện tích đất giữa hai cây dừa trồng mà cả phần mặt nước mương vườn cũng được tận dụng để nuôi ếch. Cao điểm, anh giữ lại 200 con ếch để cho sinh sản. Mỗi con ếch cái trung bình 1 tháng rưỡi sinh sản một lần. Cứ thế, ếch được cho sinh sản luân phiên. Khoảng 10 ngày, anh Dũng đã có 10.000 con ếch con. Anh vừa bán ếch giống vừa giữ lại một số để nuôi ếch thịt. Có lúc, anh giữ lại nuôi trên 20.000 con ếch thịt. Hàng năm, từ tháng 11-12 âl, ếch đẻ trứng không nhiều nên giá ếch con tăng lên đến 1.200 đồng/con. Ở những tháng ếch đẻ trứng nhiều, giá từ 600 – 1.000 đồng/con. Tương tự, nuôi ếch thịt vụ thuận phải mất khoảng thời gian từ 60-70 ngày (tính từ ngày mua ếch con) mới xuất bán. Còn vụ nghịch thời gian nuôi có thể kéo dài đến 105 ngày mới xuất bán. Tỷ lệ hao hụt từ 20% (vụ thuận) tăng lên 40%. Tùy theo từng thời điểm, giá ếch thịt biến động từ 30.000 – 100.000 đồng/kg.

Mỗi năm, anh Dũng bán từ 100.000 – 200.000 con ếch con và từ 60-70 ngày xuất bán trung bình 2,5 tấn ếch thịt. Nuôi ếch thịt vụ thuận lãi 5.000 đồng/kg và vụ nghịch lãi từ 5.000-10.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, anh còn thu gom ếch thịt của các hộ nuôi ở Đồng Tháp và trên địa bàn huyện Châu Thành để cung cấp cho các chợ đầu mối và nhà hàng, quán ăn ở TP. Hồ Chí Minh. Mỗi tuần, anh thu gom ếch thịt và 3 lần giao cho các nơi tiêu thụ, với số lượng 2 tấn/lần. Nếu so sánh về chất lượng thì ếch nuôi không bằng ếch thiên nhiên. Nhưng ưu điểm của ếch nuôi là có bán đều đặn trong năm. Và ếch nuôi có thể rộng lại thời gian dài còn ếch thịt chỉ sống được từ 1-2 ngày sau khi bị bắt. Chính điều này mà các nhà hàng thích mua ếch nuôi hơn ếch thiên nhiên.

Qua nhiều năm gắn bó với con ếch, anh Dũng chia sẻ: Ếch nuôi khi bị vi khuẩn tấn công gây Bệnh ghẻ, lở, sình bụng, lồi hậu môn. Khi bị virus tấn công gây bệnh mù mắt, quẹo cổ. Để phòng ngừa ếch chết, ta không nên nuôi quá chật, bè phải đủ chỗ cho ếch ngồi, thức ăn vừa đủ, tránh dư thừa. Ếch độ tuổi nhỏ thay nước từ 3-4 lần/ngày và lớn thay nước 2 lần/ngày. Anh Dũng đã dành một phần diện tích đất bơm nước sông vào để lắng. Khi sử dụng thay nước phải dùng hóa chất diệt khuẩn. Ếch nuôi cùng một ô, kích cỡ phải đồng đều để chúng không ăn thịt lẫn nhau. Men tiêu hóa sống và vitamin C pha trộn vào thức ăn dạng viên để giúp ếch tiêu hóa nhanh và tăng sức đề kháng. Ếch nuôi xen trong vườn dừa phải dùng lưới mùng che phía trên ô nuôi, không để rác từ cây dừa rơi xuống, ếch ăn vào rất dễ bể bao tử và chết.

Anh Dũng bộc bạch: Đến thời điểm này, dừa trồng mới đâm “lưỡi mèo”, tức chưa cho thu nhập. Nhờ mô hình nuôi ếch thịt và ếch giống xen trong vườn dừa kết hợp với thu gom ếch thịt cung cấp thị trường tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh, nên mỗi năm anh có được nguồn thu khoảng 100 triệu đồng, cuộc sống gia đình đảm bảo ổn định và còn khoản tiền tích lũy.

Mô hình thành công của anh Dũng cho thấy ếch cũng là một trong những đối tượng thích hợp nuôi xen trong vườn dừa để tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác. Điều quan trọng là người nuôi phải nắm vững kỹ thuật nuôi. Khi nắm vững quy trình kỹ thuật, chăm sóc vật nuôi đúng bài bản thì sẽ thành công.

Nguồn: baodongkhoi.com

 


You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *