Mở đường cá bổi trên bãi lầy Cà Mau
Khởi nghiệp từ số không
Ông Ba Đức cho biết, ông nuôi cá bổi đã được hơn 6 năm. Những ngày đầu, ông chỉ vô tình thấy vài con cá bổi lẫn vào ao nuôi cá rô, thấy chúng sống được nên nảy sinh ý định nuôi. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với ông Đức hồi đó là nguồn cá giống, hớt giống ngoài tự nhiên thì được bao nhiêu, ép cá giống thì ai biết. Nuôi cá bố mẹ để ép cho đẻ, con cá cái bụng trứng chành ành, mà đợi hoài hổng chịu đẻ. Có con đẻ được thì số lượng con non sống sót cũng chẳng bao nhiêu, vì mình chưa biết cách chăm sóc chúng, ông Đức tâm sự.
Chú Ba Đức bên sản phẩm cá bổi khô
Tại đây chưa ai nuôi nên không học hỏi được kinh nghiệm, ông Đức phải chạy ngược chạy xuôi tìm hiểu kỹ thuật ép giống mà chưa thấy. Sau này vô tình ông Ba Đức lượm được bí kíp khi được mách lên cầu cứu Hội Nông dân tỉnh. Từ đó, ông biết dùng thuốc kích dục để chích cho cá đẻ, biết tạo môi trường có nhiều rong tảo để dưỡng cá non đến ngày tuổi thứ 15 mới được cho ăn thức ăn.
Nhưng vẫn chưa thuận buồm xuôi gió. Vụ nuôi đầu tiên ông Đức cho cá ăn thức ăn tự chế từ cám gạo trộn chung với cá tạp băm nhuyễn, như nuôi cá rô đồng truyền thống trước đây; nhưng hiệu quả không cao, cá lớn chậm. Theo đó, ông mua thức ăn công nghiệp cho cá tra về nuôi cá bổi, làm lại vụ mới và đã thành công.
Thành công
Ông Ba Đức cho biết, dùng thức ăn công nghiệp cá lớn nhanh, đạt đầu con, cuối năm lãi 150 triệu đồng, dân quanh đây ai cũng ngỡ ngàng. Những vụ nuôi tiếp theo, thu hơn 1 tỷ đồng, lãi khoảng 700 triệu đồng. Từ đó, ông Ba Đức mua thêm quyền sử dụng 1,3 ha đất ruộng đối diện nhà mình, cải tạo để nuôi cá bổi. Bằng kinh nghiệm đã có, thành công nối tiếp thành công. Ba năm nay, trung bình mỗi năm lãi hơn 2 tỷ đồng từ nuôi cá bổi công nghiệp, tiến đến mở cơ sở làm cá khô sặc rằn nổi tiếng miền Tây. Tiếng lành đồn xa, thành công của ông Ba Đức nhanh chóng lan khắp vùng, nhiều người đua nhau học hỏi kinh nghiệm nuôi cá bổi công nghiệp. Sau hơn 6 năm kể từ khi mới khai sinh với diện tích vài nghìn m2, đến nay riêng huyện Trần Văn Thời đã có đến 200 ha nuôi cá bổi. Các huyện Thới Bình, U Minh, TP Cà Mau… cũng phát triển mạnh đối tượng đầy tiềm năng này. Đến nay, tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi cá bổi gần 300 ha.
Cá bổi khô được đóng gói đưa đi Sài Gòn tiêu thụ
Ông Ngô Minh Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau nhận xét: “Tôi đã biết Ba Đức từ hồi ông nuôi cá rô, rồi đến khi chuyển qua nuôi cá bổi thì anh em càng gần nhau hơn. Tôi nhớ nhất hồi ông mới bắt tay vào làm, chưa biết ép cá giống, nhờ Hội Nông dân giúp. Tính Ba Đức làm gì cũng kỹ; nhờ vậy sản phẩm bổi khô của gia đình ông được Tổng cục Đo lường Chất lượng cấp giấy chứng nhận…”.
Nhờ hết lòng hết sức với nghề nuôi cá bổi, ông Ba Đức đã được UBND tỉnh Cà Mau trao danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; Sở LĐ-TB-XH tặng bằng khen; Hội Nông dân tỉnh trao Giấy chứng nhận Nông dân sản xuất giỏi…
>> Cá bổi (cá sặc rằn) là cá nước ngọt, thuộc nhóm cá đen (cá đồng), sống ở đầm lầy, đồng cạn. Vùng nào của miền Tây Nam bộ cũng có nhưng nhiều nhất tại vùng U Minh của bán đảo Cà Mau (Cà Mau, Kiên Giang) và vùng ngập lũ sông Cửu Long. Cá bổi thường được khai thác, chế biến trong mùa khô. |
Bình luận gần đây