Minh bạch hàng hóa để xuất khẩu
Ảnh minh họa
Chậm cập nhật
Từ đầu năm 2018, đã có những khuyến cáo về thay đổi chính sách nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc trong năm 2019. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp Việt Nam thiếu quan tâm, thương lái thu mua cũng thiếu hiểu biết dẫn đến việc xuất khẩu khó khăn. Sự việc ngư dân huyện Núi Thành, Quảng Nam tồn đọng gần 1.000 tấn mục khô, không xuất khẩu được vào thị trường Trung Quốc là một điển hình.
Theo bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương), ngoài việc áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với một số hàng nông sản nhập khẩu, Trung Quốc đã đưa ra một số yêu cầu riêng biệt hoặc siết chặt việc thực thi các quy định đã ban hành trước đây đối với nông sản, thủy sản nhập khẩu.
Cụ thể, thủy sản xuất khập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc cần phải đáp ứng hai điều kiện: Một là sản phẩm thủy sản phải được sản xuất tại cơ sở có tên trong danh sách được phép xuất khẩu do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu công nhận. Thứ hai, từng lô hàng thủy sản khi xuất khẩu phải kèm theo chứng thư an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp (mẫu chứng thư đã được thống nhất giữa hai nước).
Dù thông tin đã rõ, thế nhưng, một số cơ sở thu mua, chế biến thủy sản đã chủ quan, hậu quả như việc tồn đọng mực như thời gian qua. Phía Trung Quốc yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc, trong khi đó, ngư dân chưa có sự chuẩn bị để chuyển xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch.
Không chỉ mực khô của ngư dân Núi Thành (Quảng Nam), mà việc Trung Quốc ngừng mua cũng khiến cho hàng trăm tấn cá, mực khô ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế cũng không thể xuất khẩu, số lượng lớn tiền của ngư dân và chủ cơ sở nằm “chết” bất đắc dĩ.
Cần minh bạch thông tin
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, sản phẩm mực khô của địa phương này được các thương lái thu mua, xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch; một lượng nhỏ được xuất khẩu sang Thái Lan vào một số thời điểm trong năm.
Bà Phan Thị Tuyết, một tiểu thương ở xã Tam Quang, Núi Thành bị ứ đọng 100 tấn mực xà do doanh nghiệp Trung Quốc không thể nhận hàng khi qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Theo bà Tuyết, mực xà không có thị trường trong nước, phải xuất khẩu, mà xuất khẩu thì chỉ có doanh nghiệp Trung Quốc thu mua. Cùng đó, nhiều chủ cơ sở sơ chế tại Quảng Bình cũng thừa nhận, thông thường, sau khi thu mua, sản phẩm sẽ được hấp, sấy, đưa sang Trung Quốc, Philippines. Nhưng gần hai tháng nay, các thương lái không nhập sản phẩm và khi hàng ứ đọng thì họ bị ép giá cùng cực.
Chuyện tập trung toàn bộ hàng hóa để “đổ” vào một thị trường Trung Quốc đã được cảnh báo rất nhiều, thế nhưng, phải khi hậu quả xảy ra người ta mới bắt đầu “rút kinh nghiệm”. Tuy vậy, liệu đây có phải nguyên nhân chính?
Có lẽ là không, bởi việc ngư dân Quảng Nam ứ đọng mực do không xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc không còn là câu chuyện “bỏ trứng vào một giỏ”, mà đó là vấn đề minh bạch thông tin xuất khẩu. Khi mà lâu nay, nhiều nông dân, ngư dân, các cơ sở chế biến của Việt Nam vẫn thực hiện sơ chế hàng hóa một cách thô sơ để đẩy qua đường tiểu ngạch. Do vậy, chỉ cần một sự thay đổi và siết chặt quản lý, lập tức họ lãnh hậu quả.
Khi ngư dân tồn đọng hàng nghìn tấn mực, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho rằng, đây là bài học mà ngư dân trả giá đắt. Tuy nhiên, ngư dân liệu có thể giải quyết được tận gốc vấn đề khi mà họ chỉ là người khai thác hải sản?
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương) trong một lần trả lời báo chí đã nhấn mạnh, trước những khó khăn về chính sách từ phía đối tác nhập khẩu, trách nhiệm của Bộ NN&PTNT và chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng. Theo đó, việc Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hơn việc nhập khẩu nông sản từ Việt Nam và các quốc gia khác đã được đưa ra từ lâu, nhưng phản ứng của phía cơ quan quản lý có liên quan lại hết sức chậm chạp.
Nguyên tắc đơn giản, đó là người mua được yêu cầu người bán, chứ không phải người bán yêu cầu người mua hàng mà mình có. Thị trường Trung Quốc đã áp đặt tiêu chuẩn thì họ cứ thế mà thực hiện, chúng ta không thể thay đổi họ. Vì thế, không có cách nào khác, từng người nông dân, doanh nghiệp phải thay đổi, muốn bán được hàng phải có xuất xứ, chất lượng.
Điều quan trọng, các ban ngành phải hướng dẫn, tạo điều kiện cho danh nghiệp, thương lái, chủ tàu cá tổ chức lại sản xuất, thu mua, chế biến theo chuỗi giá trị để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nước nhập khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm theo đường chính ngạch. Ngoài ra, cần thiết phải đẩy mạnh phát triển thị trường, cả tiêu thụ nội địa lẫn những các nước lân cận.
Box: Việc Trung Quốc thực hiện siết chặt hàng nông sản nhập khẩu từ đầu tháng 5/2019 đến nay không đột ngột, mà đã có lộ trình cụ thể. Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) đã thông báo từ tháng 11/2018, sau đó, Bộ NN&PTNT đã đưa cảnh báo và hướng dẫn. Tuy nhiên, nhiều địa phương, ngư dân và doanh nghiệp lơ là, không tuân thủ những điều kiện mà nước bạn đưa ra.
Phan Thảo
Bình luận gần đây