Mạnh tay với vấn nạn tạp chất
Tôm tập chất làm ảnh hưởng đến thương hiệu tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế Ảnh: Ngọc Trinh
Nhẹ tay và chưa triệt để
Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có 157 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, 977 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 3.969 cơ sở dịch vụ ăn uống. Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, tiến hành nhiều đợt kiểm tra và đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Cà Mau kiểm tra 4.240 lượt, phát hiện 746 cơ sở vi phạm, phạt tiền 37 cơ sở với số tiền trên 64 triệu đồng; 12 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm, còn lại 709 cơ sở bị nhắc nhở, cảnh cáo.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho rằng, hình vi đưa tạp chất vào tôm và mua bán, kinh doanh tôm tạp chất càng ngày càng tinh vi. Thời gian qua, địa phương đã bắt 22 trường hợp, nhưng khối lượng xử lý chỉ khoảng 4 tấn tôm nguyên liệu. Số lượng nhỏ lẻ nên không thể xử lý nặng được. Đối tượng bơm tạp chất chủ yếu là các cơ sở thu mua, chứ người nuôi không làm. Tôm tạp chất cũng không tiêu thụ nội địa, mà chủ yếu xuất khẩu nguyên con qua đường tiểu ngạch.
Bà Phan Thị Thu Oanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu, cho biết, từ năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh đã tiến hành kiểm tra 270 đợt, phát hiện 115 vụ vi phạm tôm tạp chất, với số lượng hơn 19 tấn tôm nguyên liệu, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là 4 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là tổ chức bơm chích tạp chất với 27 trường hợp, thu gom tôm có chứa tạp chất 24 trường hợp, vận chuyển tôm có chứa tạp chất 25 trường hợp.
Theo nhận định, tuy nhiều biện pháp được triển khai nhưng vẫn còn tồn tại hạn chế, trong đó có việc xử phạt chưa triệt để, chưa đủ sức răn đe… dẫn đến ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa cao.
Mạnh tay hơn nữa
Theo UBND tỉnh Cà Mau, hoạt động bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi. Nguyên nhân chủ yếu là do địa bàn rộng, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, lực lượng thanh, kiểm tra còn ít, trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền cơ sở… chưa phát huy tốt nên chưa thể ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng này. Trong khi, sự phối hợp giữa các tỉnh lân cận trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế, bất cập…
Đánh giá của ngành chức năng cho thấy, mặc dù công tác ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm nguyên liệu có chứa tạp chất được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhưng hiện nay còn tồn tại một số khó khăn trong công tác thanh, kiểm tra như: địa bàn rộng, các cơ sở thu mua, chế biến nguyên liệu thủy sản nằm rải rác khắp các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; nhiều cơ sở vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó tiếp cận…
Ngoài ra, việc tổ chức đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu ngày càng tinh vi hơn, có cảnh giới. Đối tượng vi phạm luôn tìm cách đối phó và sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng…
Tại Hội nghị “Sơ kết triển khai đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất” tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, nếu chúng ta không làm quyết liệt hơn nữa thì mục tiêu đến hết năm 2018 cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các tỉnh trọng điểm và trên phạm vi cả nước theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ khó có thể đạt được. Theo đó, yêu cầu các địa phương phải xử lý nghiêm khi phát hiện vi phạm và phải xử lý cả trách nhiệm của chính quyền địa phương xã, huyện để xảy ra vi phạm. Đồng thời, cần xác định rõ đối tượng, địa bàn, thị trường tiêu thụ tôm tạp chất để có biện pháp phòng chống hiệu quả.
>> Từ đầu năm 2017 đến nay, riêng 4 tỉnh trọng điểm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, qua kiểm tra 327 lượt đã phát hiện 118 cơ sở vi phạm bơm tạp chất với số lượng gần 24.000 kg, số tiền xử phạt gần 3,7 tỷ đồng. |
Bình luận gần đây