Ma Rốc: Tham vọng dẫn đầu thế giới về sản xuất tảo biển

Protein bền vững

Theo Giám đốc Keith Coleman, đồng sáng lập Susewi cùng Raffle Jovine vào năm 2013, vi tảo có thể biến ánh sáng mặt trời thành thực phẩm hiệu quả gấp 20 lần các cây trồng khác và hút khí carbon hiệu quả hơn bất cứ sinh vật sống khác. Tạo ra 1 tấn tảo, đồng nghĩa hấp thu 2,8 tấn carbon dioxide. 

Vi tảo là loài thủy sinh lớn nhanh, đạt năng suất và giá trị dinh dưỡng cao nhất. Do đó, vi tảo được ứng dụng nhiều trong ngành thực phẩm, phân bón, hóa chất và dược. Tuy nhiên, Coleman và Jovine chỉ tập trung vào sản xuất vi tảo giàu protein dưới dạng bột khô nhằm thay thế bột cá bền vững. Mục tiêu của Susewi là xây dựng được một hệ thống sản xuất vi tảo năng suất cao, tạo ra hàng trăm nghìn tấn protein thay thế trong điều kiện khí hậu sa mạc. Jovine là một chuyên gia về tảo biển, cũng là người thiết kế quy trình sản xuất vi tảo linh hoạt với khả năng nuôi cấy nhiều loại tảo có thể sử dụng trong nhiều lĩnh vực ở các ao nuôi khác nhau. 

Coleman chia sẻ: “Chúng tôi đã phát triển, xin cấp bằng sáng chế và thực hiện khảo nghiệm đầy đủ cho công nghệ nuôi cấy tảo tự nhiên nhằm tạo ra nguồn protein thay thế, làm sạch khí quyển đồng thời sử dụng rất ít nguồn năng lượng tái tạo. Tảo được nuôi dưỡng trong ao ngoài trời trong một hệ thống giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường vì chỉ sử dụng đầu vào bằng ánh sáng mặt trời, nước biển và gỗ; các phụ phẩm từ hệ thống này đều là nước ngọt, ôxy và các chất không gây axit hóa đại dương. 

 

Thân thiện tự nhiên

Tại Ma Rốc, nơi diễn ra các thử nghiệm quy mô lớn tại những vùng đất sa mạc, Jovine và các cộng sự đã tìm ra 1.600 loài tảo tiềm năng. Từ đó, họ chọn lựa các chủng tảo tối ưu dựa vào thành phần protein (>50%) và cân bằng dưỡng chất gồm axit béo EPA và DHA.  Học hỏi kỹ thuật nuôi tôm ven biển dùng trọng lực để dẫn nước, Susewi đã xây dựng thành công các ao nuôi tảo trên sa mạc Oman và một hệ thống sản xuất tảo quy mô công nghiệp ven biển Ma Rốc. Hệ thống này tái tạo tất cả yếu tố trong môi trường tự nhiên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vi tảo sinh sôi. Lợi thế lớn nhất của hệ thống nằm ở phương pháp sản xuất cải tiến có khả năng biến khu vực sa mạc chứa muối khô cạn thành một hệ thống canh tác sinh học năng suất cao mà không cần sử dụng nước ngọt và có thể sản xuất quanh năm. 

Jovine đã chứng minh được quy trình này hoàn toàn có thể ứng dụng thành công trong mọi loại hình thời tiết và tất cả các mùa trong năm, từ mùa mưa hay mùa đông tại vùng Nam Phi đến mùa hè nắng cháy trên sa mạc với nhiệt độ tới 500C. 

 

Quy mô công nghiệp

Jovine giải thích, ông bắt đầu quy trình sản xuất tảo tại phòng thí nghiệm trước, sau đó mới đưa ra nhà kính. Tại đây, tảo được chăm sóc và nuôi dưỡng đến khi sẵn sàng sinh sống được trong môi trường ao nước mặn ngoài trời. Trong ao, tảo sinh sôi hiệu quả dưới các điều kiện thích hợp và sẵn sàng cho thu hoạch, khử muối rồi sấy khô thành bột tảo để sử dụng làm thức ăn thủy sản. 

Theo Coleman: “Dự án ngày càng thu hút sự quan tâm từ các chính phủ quốc gia. Oman sẵn sàng cung cấp 3.500 ha, còn Ma Rốc cấp 6.000 ha cho dự án của chúng tôi, nhờ đó chúng tôi có thể nâng sản lượng vi tảo lên 60.000 tấn/năm. Con số này gấp 3 lần tổng sản lượng vi tảo của toàn thế giới năm 2018”. 

Hiện, các công ty thức ăn đang tìm kiếm nguồn dinh dưỡng thay thế bột cá, đặc biệt trong khẩu phần dinh dưỡng của cá hồi do loại cá này rất cần nguồn thức ăn giàu omega-3. Các thử nghiệm trên cá hồi bằng nguồn thức ăn chứa vi tảo của Susewi (phụ gia SeSeWi) đã được thực hiện tại Đại học Plymouth tại Anh hồi đầu năm 2019 với kết quả khả quan. Nhờ đó, Susewi đã ký kết hợp đồng cung ứng nguồn nguyên liệu vi tảo với một trong những hãng sản xuất thức ăn thủy sản lớn nhất thế giới. Các chuyên gia dinh dưỡng đều khẳng định, SeSeWi có thành phần dinh dưỡng tối ưu và phù hợp với cá hồi khi được bổ sung theo tỷ lệ 20% vào khẩu phần ăn. Trong một số thử nghiệm với bột tảo, kết quả cũng cho thấy, cá tăng trưởng mạnh, sử dụng thức ăn hiệu quả hơn mà không phải chịu bất kỳ tác động tiêu cực tới sức khỏe đường ruột, theo Danile Merrifield, chuyên gia tại Khoa Dinh dưỡng và Thú y thủy sản, Đại học Plymouth. 

Coleman và Jovine sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu ứng dụng công nghệ sản xuất tảo tiên tiến vào công cuộc sản xuất thức ăn thay thế tiềm năng phục vụ ngành thủy sản theo quy mô công nghiệp. Coleman cho hay, các sản phẩm từ vi tảo giải quyết được nhiều thách thức từ việc gia tăng dân số, biến đổi khí hậu và có thể trở thành một nguồn dinh dưỡng thay thế bột cá. Chúng tôi đang từng bước vượt qua các trở ngại này bằng con đường sản xuất vi tảo quy mô lớn, hoàn toàn tự nhiên và bền vững.

>> Susewi sử dụng công nghệ nuôi cấy tảo cải tiến vượt trội nhưng không đối đầu mà hòa hợp với các yếu tố tự nhiên; do đó, hệ thống này có thể được sử dụng ở mọi quốc gia từ Chilê tới Peru, Australia hay Namibia. Chính quyền tại các quốc gia này đều quan tâm tới hệ thống tảo của Susewi sử dụng đầu vào từ nguồn lợi tự nhiên dồi dào và góp phần đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời tạo việc làm cho lao động địa phương, Keith Coleman cho biết.  

Tuấn Minh (Theo Advocate)

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *