Lươn châu Âu trước nguy cơ tuyệt chủng
Một ngư dân đánh bắt lươn tại phá Orbetello, thuộc tỉnh Grosseto nước Ý
Dựa trên những phát hiện mới nhất của Ủy ban Nghề cá chung Địa Trung Hải (GFCM) thuộc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), số lượng lươn di cư tới vùng nước ngọt đã xuống thấp kỷ lục trong năm 2020. Để ứng phó với tình trạng này, GFCM đã thực hiện một chương trình nghiên cứu mở rộng tại 9 quốc gia Địa Trung Hải từ năm 2020 đến năm 2022. Kết quả báo cáo cho thấy: “Lươn châu Âu ở Địa Trung Hải được xem là loài cần những biện pháp bảo tồn càng sớm càng tốt”.
Cụ thể, báo cáo chỉ rõ các đầm phá tại Địa Trung Hải, vốn là nơi sinh sống chủ yếu của lươn châu Âu, đang phải đối mặt với những thay đổi nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, áp lực khai thác, và ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, các con sông và cửa sông, cũng là ngôi nhà của lươn, đang bị phá hủy sinh cảnh và chất lượng nước suy giảm.
Các biện pháp quản lý nghề cá hiện nay, như quy định thời gian đóng cửa khai thác và lệnh cấm khai thác trong một số giai đoạn phát triển nhất định của loài, đang không phù hợp với điều kiện của địa phương, dẫn tới tính hiệu quả không cao. Từ đó tác động tới đời sống của ngư dân khai thác lươn.
Theo FAO, sản lượng khai thác giảm sút đã khiến nhiều người đánh bắt lươn bỏ nghề, dẫn tới mai một kiến thức đánh bắt truyền thống và cách quản lý môi trường nơi lươn sinh sống. Để đối phó với tình trạng này, GFCM đã ban hành một kế hoạch quản lý dài hạn lươn châu Âu tại Đại Trung Hải, bao gồm nội dung “mỗi năm đóng cửa một phần khu vực khai thác lươn trong 6 tháng và cấm tuyệt đối các hoạt động đánh bắt lươn giải trí”.
An Vy
(Theo Undercurrentnews)
Bình luận gần đây