Lợi ích từ tín dụng cho cá tra
Ảnh: DuyKhương
Đánh dấu cho ngành cá tra bước phát triển mới là Nghị định 36/2014/NĐ-CP được Chính Phủ ban hành trong năm 2014. Đây là Nghị định đầu tiên về một đối tượng nuôi chủ lực, có lợi thế, với mục tiêu hướng tới xây dựng thương hiệu cho cá tra, lấy chất lượng làm trọng theo hướng phát triển sản phẩm xuất khẩu chiến lược và có tác động lớn tới hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Được triển khai từ giữa năm 2015, song Nghị định 36 đã tạo những bước đi hết sức căn bản, đảm bảo cho sự phát triển dài hạn, hạn chế các vụ tranh chấp, kiện tụng chống bán phá giá, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc và Đạo luật nông nghiệp của Mỹ. Đó là việc quy hoạch lại vùng nuôi, sản xuất theo tiêu chuẩn (VietGAP hoặc tiêu chuẩn tương đương), cấp mã số vùng nuôi, yêu cầu về công bố thông tin, về tỷ lệ mạ băng, hàm ẩm và đăng ký hợp đồng…
Bên cạnh đó, chính sách về vốn tín dụng đã góp phần khuyến khích đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển liên kết, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cụ thể như: đề xuất thực hiện thí điểm cho vay liên kết chuỗi cá tra tại một số tỉnh nuôi cá trọng điểm như Đồng Tháp, An Giang… bước đầu đem lại hiệu quả. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ cho sản phẩm cá tra của khu vực ĐBSCL như: Chỉ đạo 5 NHTM nhà nước tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ đối với chăn nuôi, thủy sản; cho phép lĩnh vực nuôi cá tra và tôm được hưởng chính sách tín dụng như: khách hàng gặp khó khăn được giãn nợ 24 tháng và được vay mới với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ hiện nay là 7%/năm để tiếp tục sản xuất vượt qua khó khăn.
>> Giai đoạn 2010 – 2015, dư nợ cho vay nuôi, thu mua, chế biến, xuất khẩu cá tra tăng đều qua các năm với tỷ lệ tăng trưởng 9% và chiếm khoảng 50% tổng dư nợ cho vay thủy sản khu vực ĐBSCL. Đến hết tháng 9/2016, sư nợ cho vay trong lĩnh vực này khoảng 22.600 tỷ đồng, tăng 19% so năm 2015. |
Bình luận gần đây