Linh hoạt giải pháp xuất khẩu

Gián đoạn xuất khẩu

Nga hiện chưa phải là thị trường lớn của Việt Nam, nhưng lại là một trong những thị trường đang tăng trưởng mạnh. Năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang Nga đạt 164 triệu USD, chiếm 1,8% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Nhưng khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine thì tình hình xuất khẩu một số mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam như tôm, cá tra, cá ngừ sang thị trường này đang tạm thời bị gián đoán và gặp rất nhiều khó khăn.

Theo VASEP, Nga hiện đứng thứ 9 về nhập khẩu tôm của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 1% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm của nước ta. Nga được coi là một trong những thị trường tiềm năng của tôm Việt Nam với nhu cầu tốt, cùng với lợi thế thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA). Tuy nhiên, số doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu vào thị trường này còn hạn chế, thủ tục đăng ký phức tạp, thời gian xét duyệt kéo dài, các hàng rào phi thuế quan như quy định ATTP, kiểm dịch chất lượng của Nga khá chặt chẽ theo quy định riêng của nước này cũng như theo VN-EAEUFTA. Theo ghi nhận từ VASEP, những ngày gần đây, xuất khẩu tôm sang Nga đã bị ảnh hưởng bởi căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Các lô hàng đi Nga đã xuất nhưng chưa chắc chắn về khả năng thông quan và hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Nga hiện đang gặp khó khăn về khâu thanh toán qua ngân hàng.

Nằm trong top 10 công ty xuất khẩu thủy sản sang Nga năm 2021, nhưng thời điểm này Công ty CP Chế biến Thủy sản XNK Kiên Cường đang tạm ngưng xuất khẩu sang thị trường này. Đại diện Công ty cho biết, lo ngại những rủi ro từ xung đột Nga – Ukraine ảnh hưởng đến các khâu vận chuyển hàng hóa, chứng từ, thanh toán… nên Kiên Cường tạm ngưng xuất khẩu sang Nga. Hiện thị trường Nga đang chiếm khoảng 30% tổng thị phần xuất khẩu của Kiên Cường, nếu trong thời gian tới tình hình chưa ổn định chắc phải chuyển hướng sang thị trường khác. Cùng chung khó khăn này, Công ty CP Sài Gòn Tâm Tâm chuyên xuất khẩu các sản phẩm nông sản, thủy sản chế biến sang Nga và Ukraine cũng đang phải tạm ngưng xuất khẩu. Theo đại diện Công ty, hiện các hãng vận tải đang ngừng nhận hàng đi hai quốc gia này nên hàng sản xuất rồi phải để vào kho. Đây là 2 thị trường chính của Công ty nên việc chuyển hướng thị trường rất khó, chỉ biết chờ cuộc xung đột này nhanh kết thúc để mọi việc trở lại bình thường.

Cũng là mặt hàng thủy sản có thế mạnh tại thị trường Nga, hoạt động xuất khẩu cá ngừ của các doanh nghiệp thủy sản Việt hiện cũng đang trong thế bí. Bởi, cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine nổ ra, một số đơn hàng đã gửi đi phải quay trở lại, giao dịch xuất khẩu cá ngừ sang cả 2 nước nói trên đều phải tạm dừng do rủi ro về giao dịch ngân hàng. Chuỗi cung ứng cho sản xuất và xuất, nhập khẩu bị đứt gãy. Các doanh nghiệp đang phải theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn hoặc tìm cách xuất khẩu sang các thị trường khác. Hiện giá của hầu hết các loại dầu thực vật đều tăng lên mức cao nhất trong tháng 1/2022, trong khi các nhà chế biến cá ngừ đóng hộp đang phải đối mặt với giá dầu hướng dương tăng cao chưa từng có. Mà giá dầu hướng dương bị đẩy lên cao sẽ đẩy chi phí sản xuất cá ngừ đóng hộp/túi tăng theo.

Phản ánh của một số doanh nghiệp lớn xuất khẩu cá tra sang thị trường Nga, sau khi các nước phương Tây đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt tài chính nhắm vào các ngân hàng Nga thì đồng Ruble đã giảm gần 30%, xuống mức thấp nhất từ trước tới nay so với đồng USD, với mốc gần 95 RUB đổi 1 USD trong ngày 1/3. Đồng RUB mất giá mạnh nên nhiều nhà nhập khẩu không muốn trả tiền đơn hàng. Tình hình thanh toán qua các ngân hàng của các doanh nghiệp gần như tê liệt, một số nhà nhập khẩu có tài khoản ở các nước khác nhưng việc thanh toán không đơn giản. Trước tình thế này, hiện các doanh nghiệp tạm ngưng ký kết các đơn hàng cá tra xuất khẩu đi Nga cho dù nhiều nhà nhập khẩu vẫn mong muốn tiếp tục hợp tác.

Giải pháp thích ứng

Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ thông tin, thương mại song phương Việt – Nga sẽ không tránh khỏi các tác động tiêu cực nếu Mỹ và phương Tây tiếp tục tăng các biện pháp trừng phạt mạnh và toàn diện về tài chính lên Nga. Vì vậy, doanh nghiệp đang xuất khẩu sang Nga và Ukraine cần chủ động làm việc với các đối tác nhập khẩu về thanh toán, tiến độ giao hàng… Ngoài ra, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa ưu đãi trong các FTA giữa Việt Nam và các nước để đa dạng hóa thị trường. Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn khi xuất hàng sang Nga và Ukraine, có thể liên hệ Thương vụ Việt Nam tại hai quốc gia này để được hỗ trợ, tìm phương thức tháo gỡ. Đáng lưu ý, tại phiên họp Chính phủ tháng 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm giải quyết và ứng phó kịp thời trước tác động của xung đột Nga – Ukraine tới Việt Nam.

Mới đây, Bộ Công thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình căng thẳng và các rủi ro có thể xảy ra với nền kinh tế. Theo đó, Bộ kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành một số biện pháp cụ thể bước đầu. Đơn cử, đối với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, Bộ lưu ý, áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài, cân nhắc thấu đáo trong lựa chọn các ngân hàng thanh toán trong bối cảnh cấm vận. Hơn nữa, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các ưu đãi trong 15 FTA giữa Việt Nam và các nước để đa dạng hóa thị trường. Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý trong xuất, nhập khẩu để tránh vô tình vướng vào lệnh trừng phạt, nhất là lẩn tránh các biện pháp hạn chế thương mại. Đặc biệt, Bộ cũng chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ tại các nước châu Âu có trách nhiệm cao nhất trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đang có gặp khó khăn trong hoạt động xuất, nhập khẩu với Nga và Ukraine để tìm cách chuyển hướng sang các thị trường phù hợp tại châu Âu.

>> Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, nỗi lo lớn nhất của ngành thủy sản trong cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine là giá xăng dầu trên thế giới và tại Việt Nam đang tăng lên cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng lớn tới hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân, mà còn làm tăng đáng kể chi phí, giá thành sản xuất của các doanh nghiệp chế biến thủy sản. Hiện, các cước phí vận chuyển thủy sản xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ… đã rục rịch tăng.

Hoài Phương

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *