Linh hoạt chuyển đổi trước thách thức thị trường

Gia tăng chế biến sâu

Những tháng cuối năm được coi là “mùa vàng” của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam, bởi vào thời điểm này sức tiêu thụ thủy sản tại các thị trường đều tăng mạnh để phục vụ nhu cầu mùa lễ hội, kỳ nghỉ Giáng sinh và Tết. Song ở các thị trường xuất khẩu chính, sản phẩm thủy sản của Việt Nam cũng đang khá trầy trật. Cụ thể, tại thị trường Trung Quốc, mặc dù thị trường này đã mở cửa trở lại và nới lỏng các quy định liên quan đến COVID-19 tại các cảng biển nhưng quy định về hàng nhập khẩu đông lạnh vẫn rất khắt khe, tạo ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Tại các thị trường Mỹ, EU, Anh… lạm phát và đồng USD tăng giá đang đè nặng lên khả năng tiêu thụ thủy sản tại các thị trường này. Cùng với đó, các thị trường như Mỹ và EU lượng hàng tồn kho vẫn cao do người dân thắt chặt chi tiêu khiến nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh.

Sản phẩm giá trị gia tăng được xem là giải pháp giúp các doanh nghiệp giữ vững thị trường trong khi các sản phẩm khác đang khó tiêu thụ và cạnh tranh. Ảnh: GODACO

Trước thực trạng này, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang nỗ lực xoay sở tìm giải pháp để không đánh mất cơ hội, giữ được đà tăng trưởng và có thêm được lợi nhuận. Và một trong những giải pháp không mới được các doanh nghiệp tập trung hướng đến đó là phát triển các sản phẩm chế biến sâu, để gia tăng giá trị.

Là một trong những doanh nghiệp có thương hiệu về xuất khẩu cá tra của Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng cho biết, trong cơ cấu các sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm chế biến sâu chiếm 15%. Hiện những sản phẩm thông qua chế biến sâu của doanh nghiệp đã có mặt ở nhiều thị trường lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Việc chuyển hướng sang các sản phẩm chế biến sâu giúp sản phẩm tăng khả năng cạnh tranh. Đầu tư các sản phẩm chế biến sâu mất nhiều chi phí; tuy nhiên, sản phẩm ra thị trường là những sản phẩm bền vững, lâu dài và tỷ suất lợi nhuận đảm bảo là bù đắp trở lại được.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta thông tin, Việt Nam đang là quốc gia có trình độ chế biến tôm hàng đầu thế giới với các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu các thị trường lớn khi kinh tế thế giới hồi phục sau đại dịch. Ngành chế biến mở rộng theo hướng ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật để giảm sử dụng lao động, tăng năng suất lao động. Trong bối cảnh hiện nay, theo ông Lực, ngành tôm cần tiếp tục phát huy lợi thế tôm chế biến sâu ở một số phân khúc thị trường phù hợp. Duy trì vị thế hàng đầu ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Australia. Bên cạnh đó, nâng cao thị phần ở EU và từng bước nâng cao sản lượng để vượt qua các đối thủ. Với Trung Quốc, đây là thị trường tiêu thụ khổng lồ nhưng rất khó để cạnh tranh ở phân khúc chế biến với các nhà chế biến nội địa, do đó ngành cần tập trung duy trì thị phần tôm sơ chế.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, hiện nay, cơ cấu sản phẩm cá tra xuất khẩu nước ta có đến 90% dưới dạng cá fillet đông lạnh, còn 10% là hàng giá trị gia tăng nhưng hình thức chế biến chưa sâu. Nhu cầu người tiêu dùng của nhiều thị trường trên thế giới đã thay đổi, yêu cầu các doanh nghiệp cũng cần thay đổi theo. Sản phẩm giá trị gia tăng được xem là giải pháp giúp các doanh nghiệp giữ vững thị trường trong khi các sản phẩm khác đang khó tiêu thụ và cạnh tranh. Tuy nhiên, việc thay đổi sản phẩm phải đi đôi với chất lượng. Do đó, doanh nghiệp cần phải nắm bắt rõ tình hình các thị trường, tiết giảm chi phí cũng như củng cố chất lượng và chuỗi cung ứng.

Tăng lợi nhuận từ công nghệ

Tỉnh Quảng Ninh có 175 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa. Đến nay, 100% các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn đều áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ATTP theo HACCP. Với mong muốn đưa các sản phẩm từ thủy sản của Quảng Ninh vươn xa đến thị trường quốc tế, các doanh nghiệp chế biến thủy sản đã không ngừng đầu tư, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Ngọc Ấm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản BNA Ba Chẽ cho biết, Công ty đã lựa chọn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản tại Quảng Ninh, trong đó chú trọng phát triển liên kết sản xuất nhằm kết nối các đơn vị nuôi trồng, giải quyết bài toán đầu ra cho thủy sản Quảng Ninh, tạo chuỗi sản xuất sản phẩm thủy sản chất lượng để cung ứng cho thị trường. Đây là nhà máy chế biến thủy sản hàng đầu khu vực phía Bắc được Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) chứng nhận điều kiện cơ sở hạ tầng, quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn HACCP. Đầu năm 2020, nhà máy đi vào sản xuất các nhóm sản phẩm tươi đông lạnh, sản phẩm hấp đông lạnh, sản phẩm ướp muối, sản phẩm sống… Các sản phẩm đều được kiểm soát chất lượng tối đa ngay từ khi lựa chọn nguyên liệu đầu vào tới thành phẩm đầu ra, thực hiện kiểm nghiệm tại các công đoạn sản xuất, đảm bảo giá trị cao nhất trước khi cung cấp cho thị trường, không những đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng ở thị trường nội địa, mà còn tự tin mang giá trị sản phẩm thủy sản Việt chinh phục những thị trường khó tính và giàu tiềm năng như các nước EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam cho hay, đã từ lâu nhiều doanh nghiệp nuôi, chế biến thủy, hải sản đã muốn số hóa trong quản lý nuôi trồng, kinh doanh. Bởi thủy sản là mặt hàng đặc trưng, sự hao hụt của nó không thể tính được như các mặt hàng khác. Việc làm thế nào để lưu trữ lại mọi dữ liệu cần thiết và quản lý một cách hệ thống nhất có thể từng mặt hàng luôn là nỗi trăn trở của những người hoạt động trong ngành. Và sau hơn 10 năm tìm kiếm, thử nghiệm, Hải Nam đã tìm được lối đi phù hợp với công nghệ số ERP – SAP. Công nghệ này giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả thông tin mọi giai đoạn, mọi mặt hàng từ chế biến đến xuất khẩu: hệ thống hóa thông tin, sơ đồ kho hàng; quản lý barcode sản phẩm, tích hợp phần mềm quét mã vạch, máy PDA tại khâu thành phẩm, bán thành phẩm; tích hợp cân đầu vào mua nội địa, nhập khẩu (khay, sọt)… Ngoài ra, Hải Nam cũng từ đây phát triển phần mềm quét sản phẩm công đoạn, tính lương dựa trên mã thẻ từ và phát triển tính năng quản lý giấy tờ thủy sản IUU, SC, CC trên phần mềm SAP. Với việc ứng dụng hiệu quả công nghệ số vào quá trình sản xuất, doanh số của Hải Nam đã tăng lên 140%, bà Sắc thông tin.

>> Trong 2 năm qua, thủy sản Việt Nam duy trì được năng lực cạnh tranh, nằm trong top 3 sau Trung Quốc và Na Uy về xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Năm nay, dự báo lần đầu tiên ngành thủy sản Việt Nam sẽ vượt mốc xuất khẩu trên 10 tỷ USD và sẽ tăng khoảng 12 – 15% so năm 2021; trong đó sản phẩm nuôi trồng là cá tra và tôm sẽ chiếm khoảng 65%, các sản phẩm khai thác biển khoảng 35%.

Hoài Phương

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *