Liên kết sản xuất và tiêu thụ cá điêu hồng: Tránh tình trạng “được mùa mất giá”
Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ khiến nông sản bấp bênh
Là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long nên Đồng Tháp có lợi thế tự nhiên rất lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó có cá điêu hồng. Những năm gần đây, sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá điêu hồng không ngừng phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh cũng như giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Theo thống kê, diện tích cá điêu hồng trong lồng, bè không ngừng biến động qua từng năm. Cụ thể, năm 2006 là trên 1.800 bè, đến năm 2007 giảm xuống còn hơn 500 bè. Năm 2008 số lượng bè tăng lên gần 800 bè, năm 2009 tăng lên trên 1.000 bè và đến năm 2010 thì giảm xuống còn trên 800 bè.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là thu nhập của người dân từ nghề này còn thấp, nguyên nhân chủ yếu do nông dân còn sản xuất mang tính cá thể, manh mún, nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ, chưa thiết lập được mối quan hệ cung cầu vững chắc, dẫn đến giá cả không ổn định; vai trò của tổ chức Hội nghề cá chưa được thể hiện rõ ràng nên trong những năm gần đây việc sản xuất, tiêu thụ cá điêu hồng gặp rất nhiều khó khăn. Những thông tin về sử dụng chất cấm gây hoang mang cho người tiêu dùng, khiến giá cá rớt thê thảm, nhiều người nuôi bị thua lỗ, phá sản dẫn đến hiện tượng treo bè phổ biến.
Năm 2014, Đồng Tháp thí điểm mô hình liên kết, tiêu thụ cá điêu hồng tại hợp tác xã cá điêu hồng Bình Thạnh (xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh)
Thêm vào đó, nguồn thức ăn thủy sản còn manh mún, chưa đảm bảo nhu cầu sản xuất của người dân, dẫn đến giá thức ăn cao, luôn biến động, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất của con cá điêu hồng. Hiện nay, trong tỉnh có 28 nhà máy sản xuất thức ăn công nghiệp, nhưng nguồn thức ăn cung ứng cho các vùng nuôi cá điêu hồng vẫn chủ yếu từ bên ngoài tỉnh. Thức ăn tự chế cung ứng cho các hộ nuôi nhỏ lẻ rất ít, ước khoảng 20% nhu cầu lượng thức ăn cung ứng. Hiện nay, cá điêu hồng chủ yếu chỉ tiêu thụ thị trường nội địa thông qua chợ đầu mối TP.Hồ Chí Minh và hệ thống chợ truyền thống.
Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay trên địa bàn tỉnh có doanh nghiệp Hoàng Long xuất khẩu cá rô phi và cá điêu hồng vào thị trường của 18 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2012, xuất được 322 tấn, trị giá gần 818 ngàn USD với 12 thị trường. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2013, Công ty xuất được 43,88 tấn, với 18 thị trường. Ông Châu Minh Đạt – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV chế biến thủy sản Hoàng Long cho biết: Hiện nay, nhu cầu thị trường thế giới đối với cá rô phi và điêu hồng trên 4 triệu tấn/năm (cao gấp 4 lần cá tra), giá phi lê xuất khẩu cũng ổn định hơn, vấn đề là phải làm sao hình thành ổn định chuỗi liên kết nhằm ổn định hài hòa cung cấp nguyên liệu giữa doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) trong quá trình liên kết.
Thí điểm mô hình liên kết
Để ngành thủy sản của tỉnh có thể phát triển ổn định, bền vững, tạo sản phẩm an toàn chất lượng, tiêu chuẩn phù hợp với nhu cầu thị trường, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành quyết định phê duyệt mô hình thí điểm liên kết tiêu thụ cá điêu hồng trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu chính của dự án này là nhằm xây dựng cơ chế liên kết giữa các thành viên trong chuỗi và kế hoạch sản xuất, nguyên tắc giao nhận sản phẩm, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro, nâng cao uy tín thương hiệu; trên cơ sở đó đảm bảo sự phát triển và tăng trưởng bền vững của từng thành viên và toàn bộ chuỗi. Đặc biệt là khâu tiêu thụ hàng hóa trong chuỗi liên kết; đảm bảo ổn định tiêu thụ hàng thủy sản và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất thủy sản.
Theo đó, trong năm 2014, mô hình thí điểm liên kết sản xuất và tiêu thụ cá điêu hồng sẽ được thực hiện trên quy mô 50 lồng bè của HTX cá điêu hồng Bình Thạnh (xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh) với Công ty TNHH MTV chế biến thủy sản Hoàng Long. Chuỗi liên kết dọc cá điêu hồng thuộc Công ty Hoàng Long và HTX cá điêu hồng thực hiện theo phương thức liên kết căn cứ vào công suất cấp đông, kim ngạch và sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp mà thành viên tham gia trong chuỗi ở công đoạn trước đáp ứng 80% sản lượng đầu vào của công đoạn sau. Liên kết dọc theo chuỗi sản xuất cá giống, nuôi cá thịt, chế biến sản phẩm đến thị trường tiêu thụ, trong đó có liên kết các dịch vụ khác nhau như: cung ứng thức ăn, thuốc, hóa chất phục vụ sản xuất, dịch vụ ngân hàng để đầu tư cho các khâu sản xuất.
Điểm hấp dẫn của mô hình là ngoài cơ chế đặc biệt để “hút” doanh nghiệp “bắt tay” với nông dân, tỉnh còn tập trung vào 5 nhóm giải pháp để tạo cơ chế thu hút nông dân tham gia mô hình liên kết. Cụ thể, hỗ trợ 100% tài sản thế chấp để ngân hàng tăng định mức vay phù hợp với nhu cầu sản xuất, thực hiện bảo hiểm sản xuất và tiêu thụ cá điêu hồng, đầu tư hỗ trợ các dịch vụ công cho vùng nuôi trồng thủy sản, triển khai thực hiện khóa đào tạo cho các thành viên tham gia mô hình. Bên cạnh đó, việc thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp với người nuôi để có mối liên kết hữu cơ trong tiêu thụ và nuôi trồng trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, cùng tồn tại phát triển bền vững.
Ông Phan Kim Sa – Phó giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, mô hình này hướng tới loại bỏ dần khâu trung gian là thương lái để tiến tới việc doanh nghiệp trực tiếp thu mua nông sản trong dân theo hợp đồng đặt hàng. Tiếp theo, doanh nghiệp sẽ lo cả đầu vào cho nông dân, tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản. Mục tiêu chính mô hình hướng đến là tránh tình trạng được mùa mất giá như từ trước đến nay. Thêm nữa, thông qua mô hình, chúng tôi muốn thực hiện những bước đi đầu tiên trong việc củng cố và tổ chức lại sản xuất HTX, sao cho HTX đủ mạnh để có đủ năng lực ký kết hợp đồng với doanh nghiệp trong sản xuất.
Trong bối cảnh hàng hóa nông sản bấp bênh như hiện nay, đề án thí điểm liên kết, tiêu thụ cá điêu hồng có ý nghĩa hết sức quan trọng, thúc đẩy nền nông nghiệp thực sự tăng trưởng về chất. Đề án là cơ sở để các địa phương trong tỉnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và ngành nuôi trồng thủy sản nói riêng phù hợp với mục tiêu phát triển chung. Song song với việc đề xuất nhiều giải pháp thực hiện mô hình liên kết, dự án còn duy trì được khả năng tái sản xuất của nông hộ, đóng góp vào tái sản xuất mở rộng của doanh nghiệp chế biến. Đây có thể coi là một giải pháp mang tính tổng thể, giải quyết những khó khăn, tháo gỡ vòng lẩn quẩn của quá trình phát triển nông thôn.
Bình luận gần đây