Lao động trẻ em trong chế biến tôm ở Thái Lan

Vì sao tôm Thái Lan rẻ?

Cuối năm 2012, nguy cơ một cuộc khủng hoảng thương mại và thậm chí cả chính trị giữa Thái Lan và Mỹ hiện hữu, khi phía Mỹ nói rằng tôm đông lạnh xuất khẩu của Thái Lan có giá thấp hơn các nước khác vì các cơ sở chế biến tại nước này đang có những hành động đi ngược lại nhân quyền, sử dụng lao động trẻ em và bóc lột sức lao động của công nhân nhập cư bất hợp pháp.

Thái Lan có 2,5 triệu công nhân Myanmar nhưng chỉ 1,2 triệu người trong số đó được đăng ký đầy đủ. Ngành công nghiệp thủy sản nói chung, tôm nói riêng bị nghi ngờ sử dụng nhiều lao động nhập cư và trẻ em nhất so với những ngành khác.

Nhiều tổ chức nhân quyền cho rằng nhu cầu đối với các sản phẩm tôm giá rẻ ngày càng tăng, nhất là từ thị trường Mỹ, tạo thêm động lực cho ngành tôm Thái Lan sử dụng lao động trẻ em và bóc lột lao động. Một cô bé 14 tuổi di cư từ Myanmar sang Thái Lan phải làm việc tại nhà máy chế biến tôm 16 giờ/ngày và 7 ngày/tuần với mức lương chưa đến 3 USD/ngày.

Theo Andy Hall – Đại học Mahidol (Thái Lan), người đã theo dõi lao động Myanmar nhập cư và làm việc trong ngành chế biến tôm của Thái Lan: “Nếu nhìn vào chi phí sản xuất tôm sẽ thấy giá thành rất rẻ, bởi ngành tôm đã lạm dụng lao động”.

           

Thay đổi vì sợ mất “cá” lớn

Đại diện phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Thái Lan cho biết, Thái Lan có thể bị xếp vào cấp độ 3 trong bản báo cáo nhân quyền, vì Mỹ có bằng chứng nước này lạm dụng lao động trẻ em và chính phủ nước này chưa nỗ lực cải thiện tình hình. Nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đã cảnh báo khả năng hạn chế hoặc ngừng nhập khẩu tôm của Thái Lan nhằm bảo vệ uy tín và thương hiệu công ty nếu Thái Lan không cải thiện tình hình.

Mỹ là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Thái Lan, chiếm 1/3 kim ngạch xuất khẩu tôm của nước này. Do đó, đứng trước tình thế có thể bị mất thị trường Mỹ, những nhà nhập khẩu, chính phủ và các hiệp hội chế biến, xuất khẩu tôm Thái Lan nhanh chóng vào cuộc. Các biện pháp giải quyết tình trạng lao động trẻ em và nâng cao tiêu chuẩn sống cho lao động nhập cư trong ngành sản xuất tôm và chế biến thủy sản đã được triển khai. Những nỗ lực cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục, dịch vụ an ninh xã hội và đăng ký giấy phép cho người lao động được tiến hành nhằm thể hiện là một nhà cung cấp có trách nhiệm.

 

Chuyển biến tích cực

Jirasak Sukhonthachart, Thư ký thường trực Bộ Lao động Thái Lan nói, tình trạng lao động trẻ em ở Thái Lan đã được cải thiện khi Mỹ đưa Thái Lan vào danh sách một trong 10 quốc gia có tiến bộ về cải thiện tình trạng lao động trẻ em. Đã có 19.074 lao động nhập cư Thái Lan được đăng ký năm 2011; 14.972 trẻ được đăng ký năm 2012. Theo đó, đã có hơn 50.000 trẻ em nhập cư được tham gia hệ thống phúc lợi xã hội và con số này dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Bé gái 13 tuổi nhập cư từ Myanmar đang làm việc tại một nhà máy chế biến tôm của Thái Lan – Nguồn: Reuters

Theo Văn phòng thống kê quốc gia Thái Lan, năm 2011 có khoảng 227.000 trẻ em được tuyển dụng, nhưng con số này đã giảm còn 198.000 trong năm 2012, nhất là trẻ em tuổi 15 – 18.

Đồng quan điểm, trên tờ Bangkok Post, Maurizio Bussi, một quan chức thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phụ trách Thái Lan, Campuchia và Lào cũng cho biết, tình trạng này đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt trong ngành chế biến tôm và thủy sản. Tuy vậy, theo khuyến cáo của ILO, Thái Lan vẫn cần thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về trẻ lao động nhập cư để đảm bảo quyền lợi các trẻ em này.

         

Thách thức vẫn còn

Apitchaya Nguanbanjong, một quan chức của ILO cho biết, hơn 8.000 trẻ em từ Thái Lan và các gia đình di cư khác, tuổi dưới 18, đang làm việc trong các ngành công nghiệp chế biến thủy sản ở các tỉnh Samut Sakhon, Surat Thani, Songkhla và Nakhon Si Thammarat. Nhiều trẻ em trong số đó không được tiếp cận giáo dục, bởi bố mẹ là người di cư bất hợp pháp và không dám đăng ký cho con đi học, sợ cảnh sát bắt.

Một thách thức khác, nhiều phụ huynh Thái Lan quan niệm con cái của họ không nên học chung với trẻ em nhập cư. Đồng thời, bố mẹ các lao động trẻ em nhập cư cũng cho rằng con cái họ đến Thái Lan để kiếm tiền chứ không phải để đi học. Đây là những quan niệm khiến cho Thái Lan khó khăn hơn trong việc giải quyết sử dụng lao động trẻ em.

Thống đốc tỉnh Samut Sakhon, Junlaphat Sangchan khẳng định, sẽ trừng trị thẳng tay đối với các cơ sở chế biến thủy sản sử dụng lao động trẻ em. Tuy nhiên, theo Sompong Sakaew, người sáng lập Mạng lưới thúc đẩy nhân quyền lao động, thì có một trở ngại lớn trong việc giải quyết vấn đề này, đó chính là sự tham nhũng của các quan chức và hối lộ. Vì vậy cần phải có sự hợp tác giữa các chủ sở hữu nhà máy sản xuất, khu vực chính phủ và phi chính phủ liên quan.

>> Theo ước tính của ILO, khoảng 215 triệu trẻ em tuổi  5 – 17 đang làm việc trong các điều kiện bất hợp pháp, độc hại, hoặc cực kỳ  bị bóc lột. Còn Luật Bảo vệ lao động Thái Lan, tuổi tối thiểu để lao động là 15 và các công nhân tuổi 15 – 18 được phép làm những việc không độc hại.

          (Theo Continuetolearn)

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *