Làm gì để hoàn thành mục tiêu 10 tỷ USD?


Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 4 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018

Nâng cao năng suất

Đây hiện là nhiệm vụ quan trọng để hoàn thành được mục tiêu về kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, gánh nặng được đặt lên con tôm. Bởi đánh giá nhiều năm cho thấy, con tôm là mặt hàng tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản. Năm 2017, xuất khẩu mặt hàng này chiếm tới gần 50% tổng kim ngạch của toàn ngành; trong đó tôm thẻ chân trắng đóng vai trò chủ đạo.

Năm nay, con tôm vẫn gánh trọng trách chủ lực của ngành thủy sản trong cả nuôi trồng và xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nhiều người đang lo lắng vì 6 tháng đầu năm, sản lượng tôm nuôi chỉ đạt khoảng 258.000 tấn, trong khi mục tiêu cả năm là 743.000 tấn. Chưa kể, sau thời gian dài giá tôm giảm, nhất là tôm thẻ chân trắng, nhiều người nuôi thua lỗ đã “bỏ đầm, ao chạy lấy người”.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành thủy sản vẫn rất lạc quan và cho rằng “Điều này không đặt ra quá nhiều lo lắng. Bởi kinh nghiệm cho thấy, có những nửa đầu năm sản lượng tôm chỉ đạt 190.000 tấn, song cả năm vẫn đạt kế hoạch đề ra”.

Đối với con tôm, hiện có rất nhiều mô hình làm tốt, có hiệu quả kinh tế cao, cần nhân rộng lên. Quan trọng hiện nay là tập trung vào những phương thức sản xuất ưu thế, đó là nuôi tôm thâm canh và nuôi công nghiệp theo hướng công nghệ cao. Cùng đó, chú trọng nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, nuôi tôm sinh thái, gắn với con tôm sú, bởi đây là mặt hàng Việt Nam đang “không có đối thủ”.

Cùng với con tôm, chủ lực thứ hai của ngành là con cá tra cũng cần được “chăm sóc” kỹ hơn nữa, vì đối tượng này đang rất triển vọng trong sản xuất và xuất khẩu, hứa hẹn sẽ có những đóng góp lớn cho toàn ngành trong năm nay; đặc biệt là khi nhận được nhiều tín hiệu tốt từ thị trường, trong đó đáng chú ý là sự nổi lên của thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, các địa phương cần có giải pháp chặt chẽ để tránh tình trạng phát triển diện tích nuôi rầm rộ dẫn đến phá vỡ quy hoạch. Mặt khác, để đảm bảo vụ mùa bội thu, ngành cần phải sát sao hơn nữa đến vấn đề con giống, bởi đó là yếu tố quyết định đến 50% thành công vụ nuôi.

Giảm giá thành

Bài toán này đã được đặt ra khá lâu, vậy nhưng việc tìm lời giải đáp vẫn chưa thực hiện được là bao. Điều này đang gây nhiều khó khăn cho các sản phẩm thủy sản của Việt Nam khi cạnh tranh trên thị trường nước ngoài, nhất là với con tôm.

Theo đánh giá, giảm giá thành nuôi tôm là cách tiếp cận quan trọng cho phát triển ổn định và bền vững, điều này thực sự cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh cho con tôm. Bởi như đánh giá của VASEP, giá thành sản xuất tôm tại Việt Nam đang là nguyên nhân chính dẫn tới giá xuất khẩu tôm của Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với mặt bằng chung trên thị trường Mỹ. Giá tôm nhập khẩu từ Việt Nam cao hơn so với hầu hết các đối thủ cạnh tranh với tôm Việt Nam tại Mỹ như: Indonesia, Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan…

Để làm được điều này, trước tiên, cần phải siết chặt khâu đầu vào, nhất là các khâu trung gian, đây được cho là mấu chốt gây đội giá trong các cuộc mua bán từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra. Và hơn cả, ngành nông nghiệp cần có sự điều chỉnh cơ cấu cây trồng để dành đất cho các nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi. Những vấn đề này cần thực hiện đồng bộ và nhanh chóng để hy vọng cải thiện được trong tương lai gần.

Sản phẩm “sạch”

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, để hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm nay, vấn đề quản lý chất lượng thủy sản phải được đặt lên hàng đầu. Bởi hiện nay, hầu hết các thị trường đều đưa ra những yêu cầu khắt khe, kể cả thị trường Trung Quốc. VASEP cũng đã kiến nghị Chính phủ xem xét và chỉ đạo thực hiện quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế đối với mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường bộ thông qua việc cấp và kiểm tra bắt buộc chứng thư chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi xuất khẩu. Đồng thời, có chương trình kiểm tra điều kiện sản xuất của các cơ sở gia công, sơ chế thủy sản xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

Một điều nữa cần lưu tâm là bên cạnh trở ngại khi không ít thị trường đưa ra chỉ tiêu nghiêm ngặt, thậm chí là cấm đối với nhiều loại kháng sinh, hóa chất, thì một số nước lại áp lệnh cấm nhập khẩu đối với sản phẩm tôm của Việt Nam do phát sinh dịch bệnh.

Câu chuyện cấm nhập khẩu tôm chưa nấu chín của Australia chưa cũ thì mới đây nhất, ngày 5/6/2018, Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait có Công điện thông báo về việc Bộ Công thương Kuwait ban hành quyết định tạm ngừng thông quan một số sản phẩm tôm và động vật giáp xác (tươi, ướp lạnh, đông lạnh, đã qua xử lý) có xuất xứ từ Việt Nam do xuất hiện virus bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính ở tôm.

Theo đánh giá sơ bộ, nhiều khả năng Kuwait ban hành quyết định này dựa trên cơ sở tham khảo ý kiến của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) và dựa trên quyết định tương tự của Ả rập Saudi tạm ngừng nhập khẩu một số sản phẩm tôm của Việt Nam năm 2016 và toàn bộ thủy sản của Việt Nam cuối tháng 1/2018. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng chất lượng sản phẩm tôm của Việt Nam xuất khẩu sang nước này phát sinh virus kể trên.

Mặc dù lượng thủy sản xuất khẩu sang Kuwait không lớn, thế nhưng hệ lụy của nó sẽ không nhỏ, nhất là trong bối cảnh sản phẩm thủy sản của Việt Nam trong những năm qua liên tục vấp tại các thị trường, từ cảnh báo đến kiểm soát nghiêm ngặt hay cấm nhập khẩu. Điều này sẽ dẫn đến những mất mát về danh tiếng của thủy sản Việt Nam, nhất là khi chúng ta đang nỗ lực để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Khắc phục sớm vấn đề này là nhiệm vụ cấp thiết để tránh hệ lụy dây chuyền và để toàn ngành thuận lợi hoàn thành mục tiêu.

Box: Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu thủy sản đạt 3,97 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ (kim ngạch xuất khẩu tôm thẻ đạt trên 1 tỷ USD, tăng 18%; tôm sú đạt 382 triệu USD, giảm 7%).

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *