Kỳ vọng tăng trưởng mới

“Đắt như tôm” Việt Nam

Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam, khi nói tới một cái gì đó giá trị nhất, được nhiều người mua nhất, thì dùng câu tục ngữ “Đắt như tôm tươi”. Rõ ràng từ xưa đến nay, con tôm là món ăn khoái khẩu, đem lại sự thích thú cho con người và mang một giá trị kinh tế rất cao.

Các chuyên gia thế giới nhận định rằng, trong năm 2020, 2021 khi đại dịch COVID-19 tác động lớn đến nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam nhưng Việt Nam vẫn đứng vững và trở thành một trong những quốc gia sản xuất tôm chủ lực cho thế giới. Ấn Độ, một trong những nước nuôi tôm mới nổi, nhưng năm 2020, đại dịch khiến cho sản lượng tôm giảm tới 25%, trong khi đó, nuôi trồng và xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn ổn định và phát triển. Sản lượng tôm Việt Nam vẫn tăng qua các năm từ 5 – 10%, có năm tăng 12%. Năm 2020, xuất khẩu của ngành thủy sản đạt kim ngạch 8,6 tỷ USD, trong đó mặt hàng tôm đóng  góp tới 3,78 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng hơn 12,4%. Dự báo xuất khẩu tôm 2021 sẽ tiếp tục tăng, đạt 4,4 tỷ USD, tăng 15% so năm 2020.

Vì sao tôm Việt lên ngôi?

Một chuyên gia châu Âu cho phóng viên biết: “Sở dĩ tôm Việt Nam nhanh chóng thâm nhập thị trường châu Âu và nhiều nước khác là do tôm Việt Nam được tập trung nuôi ở vùng ĐBSCL, vốn có thời tiết tốt, rất nhiều rừng ngập mặn tự nhiên. Những ưu thế địa lý không nơi nào trên thế giới có được giúp cho tôm Việt Nam có một vị thế đáng nể trên thị trường”. Người nước ngoài biết đến tôm Việt Nam đầu tiên chính là nhờ vào thương hiệu tôm sú. Có thể nói, tôm sú Mangrove của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đạt chứng nhận tôm sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế, được nuôi dưới tán rừng đước ở vùng Đất Mũi – Cà Mau rất nổi tiếng.

Các chuyên gia thị trường từ châu Âu từng chia sẻ: “Tôm sú Việt Nam sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên chủ yếu do rừng ngập mặn mang lại, không dùng thức ăn công nghiệp, 100% không dùng thuốc kháng sinh. Do đó, người tiêu dùng xem tôm sú Việt Nam gần như là tôm sú nuôi tự nhiên, hoang dã”.

Cùng với tôm sú, thì TTCT vốn là thế mạnh mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn cho ngành tôm Việt Nam. Khi chất lượng sản phẩm ngày một được cải thiện, nâng cao  hơn bởi nguồn nguyên liệu được sản xuất từ các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, thân thiện môi trường, giá thành cạnh tranh. Nên TTCT luôn có sức hút và chinh phục được nhiều thị trường trên thế giới kể cả những thị trường khó tính nhất.

Lợi thế từ các địa phương

Các chuyên gia phân tích của Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS) dự báo, Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng sản lượng tôm trong năm 2021, đạt khoảng 730.000 tấn, tăng 4%. Sóc Trăng là một tỉnh vốn dựa nhiều vào trồng trọt, nhưng biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn khiến Sóc Trăng và các tỉnh ĐBSCL đều bị ảnh hưởng. Việc nuôi tôm phục vụ xuất khẩu đang trở thành mũi nhọn của tỉnh. Mục tiêu thả nuôi trong năm 2021 của Sóc Trăng là 51.000 ha, sản lượng ước đạt 172.000 tấn. Tỉnh Bạc Liêu, năm 2020 thả nuôi gần 130.000 ha tôm; trong đó, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh gần 9.000 ha. Bạc Liêu đang phấn đấu đạt con số 1 tỷ USD xuất khẩu tôm. Năm 2021, tỉnh đang tích cực hoàn thiện hạ tầng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người nuôi đầu tư vào ngành tôm.

Là vùng nuôi cũng như xuất khẩu tôm lớn của cả nước, tính đến tháng 2/2021, tổng sản lượng thủy sản của Cà Mau đạt 49.500 tấn, tăng 3,1% so cùng kỳ; trong đó sản lượng tôm đạt 16.750 tấn, tăng 6,7%. Lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 100.500 tấn, bằng 16,2% kế hoạch, tăng 3,1% so cùng kỳ; trong đó sản lượng tôm đạt 34.750 tấn, bằng 15,4% kế hoạch, tăng 6,1%. Theo quy hoạch đến năm 2025, tỉnh Cà Mau giữ ổn định diện tích nuôi tôm khoảng 280.000 ha, sản lượng đạt 700.000 tấn, tăng bình quân 3,5%/năm.

Công nghệ dẫn lối phát triển

Theo các nhà phân tích kinh tế, ngành tôm Việt Nam hiện phát triển với những nét độc đáo riêng của mình. Nếu như các nước như Ấn Độ, Thái Lan… chủ yếu xây dựng ngành tôm dựa vào các “ông lớn”, những người giàu có, các tập đoàn tư nhân thì ngành tôm Việt Nam là sự kết hợp sức mạnh tổng thể của toàn xã hội, trong đó, người dân chính là chủ thể. Với tư tưởng, đất đai là sở hữu của toàn dân, có thể nói, ngành tôm Việt Nam dựa rất nhiều vào tài nguyên đất đai của người nuôi tôm.

Điển hình là tỉnh Cà Mau phát triển mô hình nuôi tôm – rừng. Nuôi tôm – rừng thuộc mô hình sinh thái, đối tượng chính là tôm sú. Phát triển vùng nuôi tôm – rừng theo phương thức hữu cơ kết hợp nuôi đan xen với cua, sò huyết, cá… dưới tán rừng.

Hiện tỉnh Cà Mau có 19.000 ha được đánh giá và cấp các chứng nhận nuôi tôm theo tiêu chuẩn quốc tế như Naturland, BAP, EU, Selva Shrimp và VietGAP, với khoảng 4.200 hộ dân tham gia mô hình nuôi, sản lượng tôm có chứng nhận đạt năng suất trên 10.000 tấn/năm.

Khắc phục nhược điểm manh mún về diện tích và yếu về vốn đầu tư, người nuôi tôm đã tập trung lại trong các HTX, thống nhất quy hoạch vùng nuôi ổn định, bảo vệ được môi trường và đảm bảo cung ứng cho các đơn hàng xuất khẩu lớn. Tại nhiều địa phương, tôm từ các HTX chiếm khoảng 40% nguồn tôm nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu. Các HTX được hiện đại hóa, hoạt động theo các tiêu chuẩn quốc tế. Riêng Cà Mau, mỗi năm có 20 doanh nghiệp ký kết 60 hợp đồng hợp tác phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm với 23 HTX, tổ hợp tác. Nhờ việc cung ứng vật tư đầu vào và xây dựng vùng tôm nguyên liệu có chứng nhận quốc tế, nên sản phẩm đầu ra của các HTX đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ngành tôm Việt Nam đã và đang phát huy được sức mạnh của toàn dân, đem lại công ăn việc làm, cải thiện đời sống cũng như thay đổi cách nghĩ, cách làm của hàng triệu người nông dân Việt Nam. Song, những biến động về giá cả thị trường, đặc biệt là đầu ra, sẽ ảnh hưởng tới thu nhập và cuộc sống của phần lớn người nuôi tôm. Do vậy, rất cần thêm những chính sách hỗ trợ người nuôi tôm cũng như việc tăng cường chia sẻ lợi nhuận, lợi ích và trách nhiệm từ các doanh nghiệp đối với người nuôi tôm để tất cả cùng gặt hái thành công.

>> >> Theo GAA. năm 2021, sản lượng tôm toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi tốt ở mức 8,4%, trong đó sản lượng của Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador sẽ tăng trưởng lần lượt ở mức 7,4%, 4,3% và 1,9%. Với việc sản lượng Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt hơn so các đối thủ cạnh tranh lớn và các ưu đãi thuế nhập khẩu của châu Âu theo EVFTA và UKVFTA, tin rằng xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng vượt bậc trong những năm tới với châu Âu là động lực tăng trưởng.

Nguyễn Anh

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *