Kỳ vọng mục tiêu 8 tỷ USD!

Sản phẩm tôm giá trị gia tăng được thị trường thế giới ưa chuộng   Ảnh: CTV

Sản phẩm tôm giá trị gia tăng được thị trường thế giới ưa chuộng Ảnh: CTV

Vượt khó

Có thể nói, 2017 là một năm mà ngành nông nghiệp nói chung trong đó có thủy sản phải chịu nhiều trở ngại. Không chỉ là điều kiện thời tiết không thuận lợi mà chặng đường đưa sản phẩm thủy sản sang các thị trường lớn trên thế giới cũng rất nhiều chông gai. Điển hình nhất là với 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra. Với tôm, doanh nghiệp xuất khẩu lao đao với lệnh cấm nhập tôm chưa chế biến từ Australia (có hiệu lực từ 9/1/2017). Hay với cá tra, xuất khẩu sang thị trường Mỹ bị áp thuế chống bán phá giá, xuất khẩu sang thị trường EU cũng gặp bất lợi vì tin đồn cá tra Việt Nam được nuôi ở những vùng nước không sạch…

Nhưng các trở ngại này cũng dần được thảo bỏ bằng những nỗ lực của toàn ngành từ trung ương đến các địa phương, doanh nghiệp và người nuôi. Các doanh nghiệp đã thực hiện và áp dụng nhiều tiêu chuẩn nhằm đáp ứng được những đòi hỏi của các thị trường nhập khẩu thủy sản. Cùng đó, là việc minh bạch nguồn gốc sản phẩm, thực hiện liên kết với nông dân quy hoạch các vùng nuôi trồng an toàn dịch bệnh, môi trường. Thực hiện việc truyền thông quảng bá cho sản phẩm thủy sản bằng các hội chợ, hội thảo, xúc tiến thương mại; giới thiệu quy trình sản xuất an toàn từ sản xuất giống, nuôi trồng đến chế biến, xuất khẩu; tất cả đều được giám sát và kiểm soát nghiêm ngặt.

Với việc tôm bị thị trường Australia cấm nhập khẩu sản phẩm đông lạnh, Việt Nam cũng đã thực hiện việc kiểm tra xác định không có virus đốm trắng (WSSV) và đầu vàng (YHV). Khi cập cảng tại Australia, thêm một lần được kiểm tra âm tính với WSSV và YHV trong phòng thí nghiệm, trước khi được phân phối ra thị trường. Theo đó, lệnh cấm nhập khẩu dần được nới lỏng, xuất khẩu tôm vào thị trường này đã phục hồi kể từ quý II/2017. Mới đây, ngày 21/11, Australia bắt đầu cho nhập khẩu tôm chưa nấu chín.

Là một trong những thị trường trọng điểm của thủy sản Việt Nam đó là EU, đây cũng là thị trường có nhiều rào cản cho các doanh nghiệp thủy sản trong nước. Nhưng nhờ việc khắc phục và cải thiện một số điểm yếu cùng việc đẩy mạnh truyền thông, quảng bá; hoạt động xuất khẩu sang EU đã có những dấu hiệu tích cực.

Tăng trưởng tại nhiều thị trường


Thống kê của VASEP, top 4 thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam trong 10 tháng qua đã có sự thay đổi, lần lượt là: EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc; trong đó, Trung Quốc có sự tăng trưởng đột biến, đạt gần 68%. Riêng với EU, 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 1,215 tỷ USD, tăng 21,2% so cùng kỳ năm 2016. Đây là lần đầu tiên EU vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản số 1 của Việt Nam. EU đã gia tăng nhập khẩu tôm của Việt Nam nhất là với nhóm hàng giá trị gia tăng; theo các doanh nghiệp, nguyên nhân là do tác động của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU sẽ có hiệu lực từ năm 2018. Việc Mỹ bị rớt từ xuống vị trí thứ 2 là do tăng trưởng chậm lại và bị sụt giảm nhẹ về kim ngạch; bởi Bộ Thương mại Mỹ (USDC) đã áp dụng thuế chống bán phá giá cao đối với 2 mặt hàng tôm và cá tra, khiến các mặt hàng này bị giảm khả năng cạnh tranh so với các đối thủ.

Theo đại diện Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia IDI, thuộc Tập đoàn Sao Mai, 9 tháng đầu năm, IDI đạt 3.782 tỷ đồng doanh thu, tăng 31%; lợi nhuận sau thuế đạt 224 tỷ đồng, tăng 136% so cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch cả năm, IDI thực hiện vượt 6,2% chỉ tiêu doanh thu và vượt 25,8% chỉ tiêu lợi nhuận. Trong quý III/2017, lượng khách hàng và đơn hàng tăng lên đáng kể, đến từ hầu hết các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc, Nam Mỹ và Trung Đông. Còn với, Công ty CP Kiên Hùng (doanh nghiệp thủy sản đầu ngành tại tỉnh Kiên Giang); Công ty lựa chọn thị trường ngách, với phân khúc sản xuất và chế biến thủy, hải sản thành phẩm phục vụ xuất khẩu, sản lượng 1.500 tấn/năm. Thị trường tiêu thụ của Công ty trong những năm qua tương đối ổn định, tập trung tại Nhật Bản và Trung Đông.

Nhận định của các chuyên gia, tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2017 không nhiều đột biến như trong giai đoạn 2010 – 2011, nhưng điểm khác biệt đó là sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã được nhiều thị trường quan tâm, chú trọng. Có được thành công này, chính là do Việt Nam đã có nhiều cải tiến, nhất là việc tập trung vào nhóm hàng giá có hàm lượng chế biến để nâng cao trị gia tăng; chất lượng sản phẩm cải thiện cùng với việc truyền thông quảng bá để thế giới biết đến thủy sản Việt Nam nhiều hơn.

>> Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ ngày 1/1 – 15/11/2017 xuất khẩu thủy sản đạt trên 7,2 tỷ USD. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2017 sẽ vượt dự báo khoảng 156 triệu USD.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *