Khúc quanh thương hiệu
Kém an toàn đầu tư
Điển hình là Công ty CP Thủy sản Bình An với thương hiệu Bianfishco ở Cần Thơ, từng lóe sáng trên thị trường Mỹ khi liên tiếp hai lần được ưu đãi thuế suất bằng không. Chỉ thêm một lần nữa, Bianfishco sẽ vượt qua vụ kiện chống bán phá giá của Mỹ, để vĩnh viễn vào thị trường nước này với thuế suất bằng không. Nhưng Bianfishco đã không tới đích, trong lần phán quyết thứ 8 công bố giữa tháng 3/2013, phải chịu thuế 1,29 USD/kg.
Con đường vào thị trường Mỹ bị thu hẹp cho nên mục tiêu đặt ra năm ngoái, khi tái hoạt động sau thời gian tạm dừng, nâng công suất chế biến mỗi ngày lên 100 tấn cá tra nguyên liệu, đến nay chưa đạt được. Bao công sức xây dựng thương hiệu với phương châm coi trọng chất lượng, vừa có kết quả bước đầu đã đổ vỡ. Nguyên nhân chính là đầu tư kém an toàn, không kiểm soát được rủi ro, để rơi vào vòng xoáy khủng hoảng nợ nần.
Xuất khẩu cá tra vào Mỹ, Bianfishco bị DOC áp thuế 1,29 USD/kg – Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Thương hiệu THIMACO của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy sản Thiên Mã ở Cần Thơ, một thời cũng nổi lên với 3 nhà máy chế biến cá tra, có 3.500 công nhân. Hiện nay, THIMACO không phải chịu phán quyết của DOC, xuất khẩu vào Mỹ vẫn được hưởng thuế suất bằng không thì lại thiếu vốn. Cũng do đầu tư kém an toàn, mở rộng quy mô từ nuôi đến chế biến vượt tầm kiểm soát nên khi lãi suất tiền vay tăng cao thì rơi vào khủng hoảng nợ nần. Giám đốc Phan Bá Tòng chia sẻ: “Khó khăn vốn liếng kéo dài từ năm 2012 đến nay, hiện chỉ có chừng 700 – 800 công nhân. Chúng tôi đang thuê kiểm toán để cơ cấu lại nợ, hy vọng sẽ kiếm được đường thoát”.
Nhiều doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu, thương hiệu vừa mới lập lòe đã rơi vào mờ mịt hoặc tắt ngấm do đầu tư kém an toàn, chủ bỏ đi hoặc đổi chủ. Ở tỉnh Sóc Trăng có Công ty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam, tên tuổi nổi lên với những đầu tư “hoành tráng”, nhưng đầu năm 2012, gia đình ông chủ Lâm Ngọc Khuân đã bỏ đi Mỹ, để lại món nợ hơn 1.600 tỷ đồng cho các ngân hàng chủ nợ.
Ở tỉnh Cà Mau, đã có ít nhất 4 doanh nghiệp chế biến thủy sản lặng lẽ đổi sang chủ mới. Đó là các công ty: CP Thực phẩm Đại Dương, TNHH Chế biến & Xuất nhập khẩu Việt Hải, TNHH Chế biến & Xuất khẩu Thủy sản Minh Châu, TNHH Ngọc Châu. Những doanh nghiệp từ khi sang chủ mới, hoạt động èo uột hoặc đóng cửa.
Kém an toàn thực phẩm
Mới đây, tỉnh Kiên Giang đề ra kế hoạch đầu tư phát triển nuôi thủy sản ven biển – đảo bền vững. Người dân đã nuôi cá lồng bè trên biển quanh đảo Phú Quốc, quần đảo Nam Du (Kiên Hải), Bà Lụa (Kiên Lương), Hải Tặc (thị xã Hà Tiên). Tỉnh cho quy hoạch lại với các mục tiêu về sản lượng và chất lượng, trong đó chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ hậu cần nghề biển, cơ sở sản xuất giống và cả công nghệ. Chẳng hạn, khuyến cáo ứng dụng công nghệ làm lồng nổi Na Uy có khả năng chịu sóng gió lớn, áp dụng các quy trình nuôi sạch để tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Đặc biệt, chú trọng việc xây dựng các hình thức hợp tác, liên kết để đảm bảo chuỗi sản phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc, có trách nhiệm xã hội.
Cảnh rực rỡ của Bianfishco nay đã là quá khứ
Thông tin như thế còn chìm lấp giữa tràn ngập thông tin về khó khăn, nhưng là tín hiệu để hy vọng thương hiệu thủy sản Việt Nam sẽ vượt qua được khúc quanh hiện nay. Bởi nói đến thương hiệu thủy sản, không thể tách rời vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm; không quốc gia nào cho phép nhập sản phẩm kém an toàn, mang mầm dịch bệnh hoặc chất độc hại.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, cá tra fillet đông lạnh đạt chứng nhận ASC bán tại Đức có giá 12 euro/kg, cao hơn gần 3 lần so với sản phẩm không có chứng nhận này. Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe nói, các nhà nhập khẩu và bán lẻ ở EU đang dần chuyển sang sử dụng dòng sản phẩm đạt chứng nhận ASC. ASC là tên viết tắt của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản – một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận được thành lập năm 2009 bởi Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH) để quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu đối với việc nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm.
Xét ở góc độ nào đó, các rào cản kỹ thuật thị trường mà không ít doanh nghiệp thủy sản nước ta thường kêu ca, chính là cơ hội cho thủy sản Việt Nam vươn lên, vượt qua các rào cản sẽ khẳng định được thương hiệu với người tiêu dùng. Dĩ nhiên, đó là một quá trình gian nan, phải thay đổi rất nhiều. Thế nên, những thông tin thủy sản Việt Nam nhiễm kháng sinh cấm bị phát hiện ở thị trường này khác, đang là nỗi đau không của riêng ai. Tổng cục Thủy sản từng cảnh báo, một số sản phẩm cá tra mạ băng đến 30 – 40%, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cạnh tranh bằng cách “chơi xấu”. Đó cũng chính là những hành vi phá rối quá trình xây dựng thương hiệu thủy sản Việt Nam.
Ông Anton Immink, Giám đốc chương trình nuôi trồng thủy sản thuộc Sustainable Fisheries Partnership (SFP), nói tại Hội thảo “Biến đổi khí hậu tác động đến ngành thủy sản ĐBSCL” tổ chức ở Trường đại học Cần Thơ đầu năm nay: Các nhà tiêu thụ ở EU và Mỹ quan tâm đến trách nhiệm xã hội, môi trường. Xây dựng sản phẩm có trách nhiệm xã hội, môi trường, theo Anton, cũng là xây dựng thương hiệu để sản phẩm đi ra thế giới.
>> Nói đến thương hiệu thủy sản, không thể tách rời vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm; không quốc gia nào cho phép nhập sản phẩm kém an toàn, mang mầm dịch bệnh hoặc chất độc hại. |
Bình luận gần đây