Không thay đổi, cơ hội chỉ nằm trên giấy
Thuế quan ưu đãi…
EVFTA được Nghị viện châu Âu thông qua ngày 12/2 vừa qua; chỉ chờ Quốc hội nước ta thông qua vào tháng 6 tới, dự kiến tháng 7/2020 EVFTA chính thức có hiệu lực và thực thi. Sự kiện này mở ra cơ hội thông thương lớn cho hai bên, trong đó, thủy sản Việt Nam được đánh giá sẽ hưởng lợi không ít. EU là thị trường lớn của thủy sản Việt Nam, khi chiếm gần khoảng 23 – 25% tổng lượng xuất khẩu hằng năm. EVFTA có hiệu lực sẽ tác động tích cực đến xuất khẩu của ngành hàng này.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt, bởi châu Âu là thị trường tiềm năng lớn, sẽ góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng, bù lại phần thiếu hụt do tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 gây ra. Hiệp định cũng mở ra cơ hội để doanh nghiệp Việt tiếp cận công nghệ nguồn, chuỗi cung ứng.
Ảnh minh họa
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng, Hiệp định đi vào thực thi là lực đẩy rất lớn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU. Đặc biệt, mặt hàng tôm khả quan hơn bởi thuế nhập khẩu vào thị trường này sẽ giảm mạnh từ năm đầu tiên, sau đó giảm dần về 0% trong những năm tiếp theo. Vì vậy, EVFTA được xem là cơ hội để sản phẩm tôm xuất khẩu Việt Nam vươn lên cạnh tranh với Ấn Độ.
… nhưng không dễ hưởng
Nhiều chuyên gia trong nước khẳng định cơ hội đã có nhưng không dễ để các sản phẩm thủy sản Việt khai thác “mỏ vàng” này. Bởi, kèm theo các ưu đãi về thuế sẽ có những thách thức đối với xuất khẩu về các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng, trước mắt EVFTA không mang lại lợi thế về thuế quan cho thủy sản Việt Nam. Bởi khi EVFTA có hiệu lực, thuế ưu đãi phổ cập (GSP) sẽ bị loại bỏ. Lộ trình giảm thuế của thủy sản sẽ dựa trên thuế theo quy tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) của WTO. Trong khi, thuế MFN hiện cao hơn thuế GSP. Ví dụ, thuế MFN với một số tôm nhập khẩu vào EU hiện là 12 – 20% trong khi thuế GSP chỉ là 4,2 – 7%. Theo lộ trình giảm thuế 5 – 7 năm của EVFTA, thuế suất của những năm đầu tiên có thể cao hơn thuế GSP. Tương tự, cá tra có lộ trình giảm thuế 3 năm trong EVFTA. Hiện tại, thuế MFN với cá tra nhập khẩu vào EU là 8 – 9% trong khi thuế GSP là 4,5 – 5,5%. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận đánh đổi những năm đầu tiên khi tham gia.
Hơn nữa, lợi thế thuế quan đi kèm với điều kiện về quy tắc xuất xứ. Với nhiều sản phẩm thủy sản, Việt Nam có xu hướng nhập khẩu nguyên liệu từ bên ngoài để chế biến và xuất khẩu; vì vậy, câu chuyện quy tắc xuất xứ với sản phẩm thủy sản khá phức tạp.
Nhập gia phải tùy tục
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để vượt qua rào cản, Việt Nam không chỉ cần gia tăng năng lực sản xuất mà phải tái cơ cấu hiệu quả, thực hiện giải pháp về cải cách hệ thống pháp lý, điều kiện người lao động… Mặt khác, bắt buộc phải minh bạch hóa đảm bảo môi trường pháp lý hiệu quả cho doanh nghiệp hoạt động, yêu cầu phát triển bền vững, gắn với tiêu chuẩn môi trường, quyền người lao động, quyền sở hữu trí tuệ…
Cùng đó, EVFTA đặt ra yêu cầu cải cách bên trong, tái cơ cấu các ngành, doanh nghiệp để có sức cạnh tranh tốt hơn; đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh; khi đã thực sự vững, họ sẽ dễ dàng để đối mặt với những bất ổn của một thị trường nào đó. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa thể chế, các quy định pháp luật cho phù hợp với tiêu chuẩn cao của EU.
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), cái lợi từ EVFTA không chỉ là thuế quan giảm mà còn giúp Việt Nam cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
Điển hình là việc hải sản Việt Nam đang bị phạt “thẻ vàng”, đồng nghĩa mặt hàng này nhập vào EU bị kiểm tra 100% lô hàng. Nếu không khắc phục được các yêu cầu liên quan đến khai thác bất hợp pháp thì có thể bị phạt “thẻ đỏ” và sẽ hết đường xuất sang thị trường này. Vì vậy, để tận dụng được cơ hội từ EVFTA, Việt Nam phải gỡ bỏ được “thẻ vàng”. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải xây dựng được chuỗi giá trị, nhất là trong khai thác hải sản.
Và nói như ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cơ hội đã nhìn thấy nhưng thách thức là Việt Nam có đáp ứng được các cam kết hay không. Nếu không có sự chuẩn bị tốt thì tất cả cơ hội chỉ nằm trên giấy.
>> EU là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ hai của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 17 – 18% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Theo VASEP, riêng sản phẩm tôm, EU chiếm 22% tỷ trọng, cá tra 11% và 30 – 35% tỷ trọng thuộc các mặt hàng hải sản khác. Các sản phẩm cá tra hiện đang chịu mức thuế 9% và sẽ được giảm về 0% với lộ trình 3 năm. |
Phan Thảo
Bình luận gần đây