Không nuôi nếu không đảm bảo an sinh cho cá
Trách nhiệm hàng đầu
FEAP đại diện cho 24 Hiệp hội nuôi trồng thủy sản quốc gia từ 23 đất nước chuyên nuôi các loài như cá hồi Đại Tây Dương, cá hồi vân, cá chẽm, cá tráp, cá chép, cá bơn, cá tuyết, cá tầm và một số loài khác, sử dụng đa dạng hệ thống nuôi.
FEAP đang nỗ lực tăng cường giám sát sự tuân thủ và tính chủ động của người nuôi cá châu Âu, trong việc cung cấp các điều kiện sống và an sinh tốt nhất cho các đàn cá. FEAP mong muốn giải quyết những lo ngại do các chiến dịch truyền thông tiêu cực gây ra, làm suy giảm những nỗ lực của người nuôi cá châu Âu đang cố gắng thực hiện.
Theo đó, FEAP nhận định rằng: “Tính bền vững của hoạt động nuôi trồng thủy sản tại châu Âu, phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm thủy sản đầu ra của chúng tôi, vốn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các điều kiện sản xuất và an sinh động vật. Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng sống còn của việc thúc đẩy an sinh của cá và liên tục phấn đấu để đảm bảo các tiêu chuẩn cao nhất trong ngành. Vì vậy, không nuôi nếu không có an sinh tốt cho cá”.
Tầm quan trọng sống còn
Theo FEAP, nhiệm vụ cấp thiết hiện nay của ngành nuôi cá ở châu Âu, chính là phải tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý hiện hành và các quy định, cũng như các tiêu chuẩn nghiêm ngặt được đặt ra, nhằm bảo vệ an sinh các loài cá.
Liên đoàn hiện đang đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo và đổi mới, để tìm hiểu thêm về hành vi và nhu cầu cụ thể của từng loài cá khác nhau. Điều này bao gồm việc liên tục giám sát môi trường sản xuất, đảm bảo chất lượng nước, vấn đề quản lý dinh dưỡng và bệnh tật, cũng như giảm thiểu căng thẳng và quản lý nghề cá một cách có trách nhiệm, từ đó cải thiện điều kiện nuôi dưỡng.
Ngoài ra, FEAP cũng khẳng định sự hợp tác mang tính xây dựng giữa ngành nuôi cá và các tổ chức phi chính phủ, có thể mang lại những hiểu biết sâu sắc, có giá trị và góp phần vào sự phát triển bền vững của nghề nuôi cá châu Âu. Liên đoàn đã mời nhiều bên liên quan, tham gia các cuộc đối thoại trung thực và mang tính xây dựng, để giải quyết mọi mối quan ngại, cùng nhau nỗ lực hướng tới các tiêu chuẩn cao hơn nữa về an sinh cho cá.
Vấn đề cốt lõi
Trong tuyên bố của mình, FEAP đã đưa ra quan điểm cốt lõi về việc đảm bảo an sinh cho cá, được tóm tắt trong chín điểm sau đây.
Đầu tiên, cá không phải là một loài đơn lẻ mà là nhiều loài và có sự khác biệt rõ ràng về mặt sinh học giữa các loài, bao gồm cả về nhu cầu an sinh. Nuôi cá ở châu Âu diễn ra cả ở trên biển và nội vùng nước ngọt, sử dụng nhiều hệ thống nuôi khác nhau như bể, ao và lồng biển.
Điểm thứ hai, FEAP thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện đối với an sinh cá, trong đó, các vấn đề an sinh cụ thể phải được xem xét, bên cạnh những hạn chế về môi trường nuôi, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, chất lượng sản phẩm và khả năng phát triển bền vững về mặt kinh tế.
Điểm thứ ba, người nuôi cá ở châu Âu tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc, các quy định về sức khỏe và an sinh động vật áp dụng cho cá.
Điểm thứ tư, FEAP hiểu rằng thực hành tốt ở cấp trang trại, đây là chìa khóa nhằm đảm bảo an sinh đầy đủ cho cá, do đó nâng tầm quan trọng của việc quản lý tốt ngay từ cấp trang trại trong ngành nuôi.
Điểm thứ năm, việc nuôi hầu hết các loài cá là hoạt động rất non trẻ, nếu so với các hoạt động chăn nuôi khác. Vì thế, vẫn tồn tại những lỗ hổng quan trọng về kiến thức khoa học trong hoạt động nuôi trồng thủy sản này.
Điểm thứ sáu, FEAP cho rằng khi giải quyết vấn đề an sinh của cá, phải được áp dụng cho toàn bộ chu trình sản xuất cá. Điềm thứ bảy, Liên đoàn thừa nhận tầm quan trọng của việc đào tạo đầy đủ cho công nhân, tại các trang trại nuôi cá về vấn đề này.
Điểm thứ tám, FEAP nhấn mạnh rằng: Để đảm bảo an sinh cho cá, không nên góp phần tạo ra sân chơi thị trường không bình đẳng đối với các sản phẩm cá khác, cả các sản phẩm được nhập khẩu vào châu Âu hoặc được đánh bắt bởi các đội tàu đánh cá tự nhiên.
Cuối cùng, ở điểm thứ chín, FEAP đảm bảo rằng tổ chức này hiểu tầm quan trọng của truyền thông, giúp xã hội nhận thức được cách đối xử với cá nuôi ở châu Âu. Dù vậy, FEAP cũng bày tỏ lo ngại về việc đưa tin sai lệch của một số cơ quan truyền thông về an sinh cá, gần đây đang xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. FEAP cũng đưa ra cam kết luôn sẵn sàng thông báo cho báo chí và công chúng, về thực tế và những nỗ lực của người nuôi cá tại châu Âu.
Phương Nhi (Theo Aquaculture Magazine)
Bình luận gần đây