Khơi thông nguồn vốn – Tiếp sức doanh nghiệp
Nguồn “năng lượng” đến đúng lúc
Trong bối cảnh chiến tranh xung đột, kinh tế thế giới suy giảm, người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng ưu tiên cho các sản phẩm giá rẻ thì ngành thủy sản Việt Nam rất cần các giải pháp hạ giá thành sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trên trường quốc tế. Được tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất thấp chính là một giải pháp giúp giảm giá thành cho sản phẩm thủy sản.
Ngân hàng Nhà nước cho hay, đối tượng vay vốn của Chương trình là khách hàng có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất – kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1% – 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ với thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024. Quy mô tín dụng của Chương trình khoảng 15.000 tỷ đồng (cao hơn dự kiến đặt ra gói 10.000 tỷ đồng). Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại theo thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia Chương trình này, phù hợp với quy định pháp luật và quy mô hoạt động của ngân hàng.
Chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng và thực hiện cho vay theo cơ chế thương mại thông thường. Đến nay đã có 12 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia Chương trình gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Nam Á, Ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội.
Theo Ngân hàng Nhà nước, cùng với các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất đã và đang triển khai thời gian qua, việc triển khai Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản tiếp tục thể hiện tinh thần đồng hành của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Ngân hàng vào cuộc mạnh mẽ
Với sứ mệnh ra đời phục vụ phát triển “Tam nông”, Agribank là ngân hàng chủ lực trong đầu tư nông nghiệp, nông dân, nông thôn, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Hiện nay, Agribank cho vay lĩnh vực thủy sản với dư nợ khoảng 59.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4% dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank, với 142.870 khách hàng, tập trung vào các ngành chế biến, kinh doanh, xuất khẩu thủy sản.
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh ra thị trường quốc tế, từ ngày 17/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023, Agribank triển khai chương trình tín dụng ưu đãi tài trợ khách hàng xuất, nhập khẩu năm 2023, áp dụng đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thịt, thủy sản, cà phê, nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ… cung cấp nguồn vốn với quy mô lên tới 25.000 tỷ đồng. Đối tượng áp dụng của chương trình là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, nhập khẩu. Từ nay đến hết ngày 30/6/2024, các doanh nghiệp thủy sản sẽ được vay vốn với lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1 – 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Ngay sau khi gói này được triển khai, Agribank cũng cam kết tham gia với 3.000 tỷ đồng, miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình này.
BIDV là một trong các ngân hàng thương mại tích cực trong việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, với doanh số cho vay lũy kế đến 30/6/2023 là 16.000 tỷ đồng và dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất trên 5.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, BIDV đã 4 lần giảm sàn lãi suất cho vay với mức giảm từ 1,1 – 1,3%/năm. Đồng thời, chủ động thiết kế và ban hành nhiều gói tín dụng ngắn hạn, trung dài hạn với lãi suất ưu đãi từ 0,5 – 2%/năm với quy mô lên tới 253.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các khách hàng phục hồi, duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Đậm, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tiền Giang cho biết, đơn vị đã chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng tỉnh tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay; đồng thời rà soát, xem xét miễn, giảm các loại phí dịch vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, giải pháp quan trọng là linh hoạt áp dụng cơ chế bảo đảm tiền vay, đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm tín dụng, phù hợp với đặc thù hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lâm sản, thủy sản và dệt may nhằm đảm bảo đủ nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.
Cùng đó, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn ưu tiên vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh; duy trì hạn mức tín dụng đã cấp cho các doanh nghiệp ngành cá tra nói riêng và thủy sản nói chung để duy trì hoạt động và có vốn thu mua nguyên liệu. Bên cạnh đó, triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Tăng khả năng hấp thụ vốn
Dù là mặt hàng xuất khẩu được ưu tiên, nhưng do ảnh hưởng của kinh tế nên hoạt động thương mại thủy sản diễn ra chậm, hàng tồn kho nhiều, vòng quay vốn chậm khiến định mức vay cũ đã sử dụng hết. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản hiện không thể vay thêm tiền.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho hay, gần đây, Chính phủ liên tục đưa ra cơ chế gỡ khó trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, nhưng khả năng vay được hay không còn phụ thuộc vào tình hình thực tế của công ty. Nhìn chung, lãi suất có giảm nhưng khả năng tiếp cận vốn còn khó do các quy định chặt từ ngành ngân hàng. Do vậy, doanh nghiệp nên chủ động làm việc cùng ngân hàng, đề nghị khoanh hoặc giãn nợ cũ để xin vay khoản mới.
Theo chia sẻ một số lãnh đạo ngân hàng thương mại tại Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 25/7; các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo triển khai tốt các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát triển thị trường vốn, đảm bảo là kênh dẫn vốn trung dài hạn của nền kinh tế, giảm bớt áp lực cho hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, để tăng sức hấp thụ vốn từ ngân hàng, các doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp tái cấu trúc, cắt giảm các mảng hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả, đảm bảo tài chính phục vụ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp; phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực, nhằm đảm bảo năng lực tài chính lành mạnh, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp và ngân hàng; tăng cường mở rộng, tìm kiếm các đối tác đầu ra, nhà phân phối để nâng cao khả năng tiêu thụ hàng hóa, giảm thiểu hàng tồn kho.
Sức “hấp thụ” tín dụng của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thủy sản nói riêng phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu. Trong các tháng đầu năm, số lượng đơn hàng xuất khẩu thủy sản giảm từ 20 – 50%; tuy nhiên, dự kiến xuất khẩu thủy sản sẽ tăng mạnh vào cuối năm 2023. Theo các chuyên gia tài chính, giai đoạn 2023 – 2024, nguồn vốn cho các công ty thủy sản ở quy mô nhỏ và vừa vẫn dựa vào ngân hàng là chủ yếu. Tình hình sử dụng vốn huy động của các công ty niêm yết ngành thủy sản khá ổn định, doanh thu tạo ra hài hòa với lượng vốn. Trong năm 2022, nhóm doanh nghiệp này “có cơ cấu vốn khá tốt so với ngành công nghiệp”. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các công ty thủy sản niêm yết ở mức 14,8%, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khoảng 13%. Các công ty chỉ có thể chịu được lãi suất cho vay ở mức 10 – 12%, nhưng nếu lãi suất cao hơn thì sẽ khó khăn.
>> Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng có thể chưa đáp ứng được kỳ vọng của các doanh nghiệp, song đây được đánh giá là nguồn “năng lượng” tài chính rất kịp thời để ngành thủy sản bứt phá trong những tháng cuối năm, thời điểm xuất khẩu sẽ tăng trưởng trở lại. Gói tín dụng cũng giúp các vùng nuôi chuẩn bị tốt cho việc cung ứng nguyên liệu trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Nguyễn Anh – Hồng Hạnh
Nghệ An triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng
Để góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ vốn tín dụng đối với 2 ngành lâm sản và thủy sản ngày 18/7/2023, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An đã ban hành Công văn số 836/NGA-THKS, yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn bám sát văn bản hướng dẫn của Hội sở chính để triển khai thực hiện chương trình tại đơn vị theo thẩm quyền thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình phù hợp với quy định của pháp luật, quy định nội bộ và quy mô hoạt động của đơn vị. Ông Đoàn Mạnh Hà, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết, các ngân hàng cho khách hàng vay vốn để thực hiện chương trình bằng nguồn vốn huy động của ngân hàng; có trách nhiệm xem xét, thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng theo quy định của pháp luật, quy định nội bộ về cho vay và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình. Đồng thời, thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro đối với khoản cho vay thuộc chương trình theo quy định hiện hành.
PV
Bình luận gần đây