Khơi mở tiềm năng chế biến thủy sản
Nhiều thành tựu nổi bật
Một là: Thời gian qua, công nghiệp chế biến thủy sản đã phát triển nhanh, góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. Giai đoạn 2010 – 2019, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt tốc độ tăng trung bình 6,1%/năm. Năm 2020, GDP ngành thủy sản tăng 3,08%, cao hơn mức tăng 2,8% của năm 2015 và năm 2016 trong giai đoạn 2011 – 2020.
Hai là: Hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến thủy sản có công nghệ và thiết bị tương đối hiện đại, gắn kết với vùng nguyên liệu. Cả nước hiện có 815 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu và trên 3.200 cơ sở chế biến quy mô nhỏ phục vụ chế biến, tiêu thụ nội địa đang hoạt động; với tổng công suất chế biến lên đến 6 triệu tấn nguyên liệu/năm, tạo ra trên 2,1 triệu tấn sản phẩm/năm. Tính đến tháng 12/2020, sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã được xuất khẩu đến trên 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, kể cả những thị trường khó tính như: EU, Mỹ, Hàn Quốc, Brazil, Australia… và ngày càng được mở rộng, gia tăng.
Ba là: Công nghiệp chế biến thủy sản góp phần định hướng và thúc đẩy phát triển sản xuất thủy sản, tạo ra nguồn cung cấp nguyên liệu cho chế biến tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Năm 2020, sản lượng thủy sản ước đạt 8,4 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 8,4 tỷ USD.
Bốn là: Công nghiệp chế biến thủy sản góp phần thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn. Toàn ngành chế biến thủy sản đã giải quyết trực tiếp trên 435.000 lao động với mức thu nhập bình quân 5 – 7 triệu đồng/tháng và hàng triệu lao động sản xuất nguyên liệu và dịch vụ cho ngành; góp phần to lớn cho công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Từ sản xuất tiểu nông nhỏ lẻ, gia đình tự cung tự cấp, hiện nay ở nông thôn đã hình thành các trang trại NTTS, các khu chế biến thủy sản tập trung với quy mô công nghiệp, hiện đại trên phạm vi cả nước, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam.
Năm là: Lĩnh vực chế biến thủy sản đã chủ động hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra vị thế vững chắc cho ngành thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam đã đàm phán, ký kết và đang triển khai 16 FTAs, bao gồm cả một số các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP. Vị thế của ngành thủy sản Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế; Việt Nam nằm trong số các nước có ngành thủy sản phát triển với tốc độ nhanh và hiện đang là nước đứng thứ 3 thế giới về giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong thời gian tới, kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành trung tâm chế biến thủy sản toàn cầu và giữ vững vị thế là một trong 5 quốc gia có nền công nghiệp chế biến thủy sản phát triển nhất thế giới.
Tháo gỡ lực cản phát triển
Bên cạnh những thành tựu đó, công nghiệp chế biến thủy sản còn gặp phải không ít những trở ngại cho sự phát triển cần tiếp tục được giải quyết trong thời gian tới.
Một là, số lượng và chất lượng nguyên liệu đầu vào cho ngành chế biến chưa đảm bảo đã làm giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là nguồn nguyên liệu hải sản khai thác ngày càng suy giảm cả về số lượng và chất lượng, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch vẫn đang ở mức cao (ước tính 20 – 25%) dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu xảy ra phổ biến ở nhiều nơi, đặc biệt là ở phía Bắc và Duyên hải miền Trung (hiện hiệu suất sử dụng công suất thiết kế chỉ đạt trung bình 40 – 50% tổng công suất). Bên cạnh đó, tình trạng tiêm chích tạp chất vào nguyên liệu, lạm dụng sử dụng thuốc, kháng sinh, hóa chất bị cấm trong bảo quản nguyên liệu thủy sản vẫn còn là nguy cơ hiện hữu, cần được quản lý chặt chẽ và quyết liệt hơn.
Dây chuyền chế biến cá tra hiện đại tại ĐBSCL. Ảnh: LHV
Hai là, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản hiện nay chủ yếu vẫn sản xuất theo đơn đặt hàng của nước ngoài với trên 50% mặt hàng sơ chế đơn giản, bán thành phẩm với giá trị gia tăng thấp, giá bán thấp… Tỷ trọng sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng còn rất thấp. Cụ thể, đối với mặt hàng tôm chỉ đạt 38,5%; cá ngừ đạt 42,3%; mực và bạch tuộc đạt 12,3% và đặc biệt là sản phẩm cá tra xuất khẩu chỉ đạt 1,2% tỷ trọng giá trị các sản phẩm chế biến mã HS16 trong tổng kim ngạch xuất khẩu của từng nhóm sản phẩm, còn lại là các sản phẩm sơ chế, bán thành phẩm. Đến nay, vẫn chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho hàng thủy sản Việt Nam, phần lớn sản phẩm thủy sản Việt khi bán trên thị trường quốc tế vẫn phải mang tên thương hiệu của công ty nước ngoài. Việt Nam vẫn chỉ là nhà cung cấp nguyên liệu thô, bán thành phẩm cho các nhà nhập khẩu về chế biến tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng trên thế giới.
Ba là, đối với các cơ sở chế biến thủy sản truyền thống, tiêu thụ nội địa như nước mắm, mắm tôm, thủy sản khô… đang được sản xuất phổ biến ở quy mô nhỏ hộ gia đình với điều kiện sản xuất thủ công, đầu tư khiêm tốn dẫn đến vấn đề chất lượng và vệ sinh ATTP chưa được cải thiện rõ rệt.
Bốn là, tăng trưởng của ngành chế biến thủy sản vẫn phụ thuộc nhiều vào yếu tố về tài nguyên, lao động giá rẻ trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào khoa học ngành. Các cơ sở chế biến nước ta phần lớn là quy mô nhỏ và vừa chiếm trên 90% số cơ sở, trình độ công nghệ một số ngành hàng còn thấp; trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp đều thiếu vốn, các nguồn vốn cho vay hiện nay đều có lãi suất cao nên hiệu quả kinh tế thấp, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Chính vì vậy, các doanh nghiệp chế biến thủy sản còn chậm đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ và vẫn sử dụng nhiều lao động phổ thông dẫn đến năng suất lao động không cao, chỉ bằng 1/2 năng suất lao động bình quân của toàn ngành kinh tế Việt Nam (2018). Mặt khác, nguồn nhân lực, lao động trực tiếp phục vụ chế biến thủy sản ngày càng khan hiếm, khiến các doanh nghiệp rất khó tuyển dụng và luôn bị biến động.
Năm là, trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt là khi FTAs được thực thi các rào cản thuế quan ngày càng được xóa bỏ, thay vào đó là các rào cản kỹ thuật (các quy định về dư lượng hóa chất, kháng sinh, bao bì nhãn mác, chống khai thác IUU, các chương trình thanh tra riêng biệt, truy xuất nguồn gốc, quy tắc xuất xứ, lao động, trách nhiệm xã hội, môi trường và phát triển bền vững…) đang ngày càng nhiều và tinh vi hơn khiến các doanh nghiệp chế biến thủy sản phải đáp ứng, tuân thủ đầy đủ, gây không ít khó khăn, tốn kém làm tăng giá thành sản xuất và giảm năng lực cạnh tranh.
Ngày 4/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới; trong đó, ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới, là một trung tâm chế biến sâu và logistics của thương mại nông sản toàn cầu.
TS Đào Trọng Hiếu
Chuyên gia lĩnh vực chế biến và phát triển thị trường thủy sản
Bình luận gần đây