Khi chế biến thiếu chiều sâu

Xuất thô là chính

Theo Bộ NN&PTNT, 8 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 4,13 tỷ USD, chiếm 21,3% giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản vẫn chủ yếu dưới dạng thô, thể hiện trong ba sản phẩm chủ lực (cá tra, tôm, cá ngừ đại dương). Thường những sản phẩm này ở dạng fillet cá tra, tôm bóc vỏ đóng gói, cá ngừ đại dương đóng hộp xuất khẩu; trong khi sản phẩm cá ngừ đại dương ở dạng sushi – có giá cao hơn nhiều lần so với sản phẩm đóng hộp, ngành thủy sản Việt Nam vẫn chưa thể với tới, dù đã nhiều năm đặt mục tiêu.

Tại VIETFISH 2015 tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vừa qua, nhiều gian hàng được trang trí bắt mắt, nhưng ấn tượng nhất là những người đầu bếp đang trổ tài chế biến món ăn làm từ thủy sản (như cá tra cuộn phô mai, cá tra áp chảo, tôm tẩm bột chiên…) và mời kháchtham quan thưởng thức khi thức ăn còn nóng hổi.

Hỏi ra, các doanh nghiệp đang muốn nhân cơ hội này để giới thiệu những sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm giá có giá trị gia tăng cao đến khách tham quan. Ở tầm một hội chợ quốc tế như VIETFISH không chỉ có khách tham quan là người Việt Nam mà có rất nhiều khách quốc tế. Đây là cách để khách tham quan có thể “nhìn tận mắt, ăn vào miệng” để cân nhắc… cho những hợp đồng mới.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chủ yếu dưới dạng thô – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Phải hướng đến chế biến sâu

Tại hội thảo kỹ thuật bảo quản duy trì độ tươi, nhằm nâng cao giá trị gia tăng hàng thủy sản, hay hội thảo cải thiện bao bì và đóng gói sản phẩm thủy sản… người ta mới giật mình nhận ra những điểm yếu cố hữu của doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam. Cũng vì thế, nhiều người mới hiểu tại sao các doanh nghiệp “phản đối” tỷ lệ mạ băng 10% trong sản phẩm cá tra xuất khẩu. Hóa ra lâu nay khả năng chế biến của doanh nghiệp có vấn đề nên doanh nghiệp lo ngại tỷ lệ mạ băng thấp quá… sẽ khiến sản phẩm nhanh hỏng.

Thế mới thấy, dù là quốc gia xuất khẩu thủy sản nhưng những kiến thức về công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch vẫn còn khá khiêm tốn. Bằng chứng, trong bài thuyết trình của các chuyên gia Nhật Bản tại hội thảo kỹ thuật bảo quản duy trì độ tươi nhằm nâng cao giá trị hàng hóa trong khuôn khổ VIETFISH 2015, các chuyên gia Nhật giới thiệu những kỹ thuật để hải sản đánh bắt nói chung, cá ngừ đại dương nói riêng phải xử lý và bảo quản như thế nào, giúp thủy sản vẫn còn tươi ngon sau một tháng trên biển.

Theo các chuyên gia Nhật, việc sản xuất và lưu thông thủy sản giữ được độ tươi cao, chất lượng cao sẽ đóng góp tích cực cho ngành công nghiệp chế biến thủy sản cũng như góp phần nâng cao thu nhập của ngư dân. Chính việc sản xuất và lưu thông thủy sản giữ được độ tươi cao, chất lượng cao đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của Nhật sẽ giúpViệt Nam có thêm cơ hội xuất khẩu tới các thị trường khác ngoài Nhật. Nghĩa là khi đáp ứng tiêu chuẩn của người Nhật, thủy sản Việt Nam tự tin chào bán ở bất cứ thị trường nào khác.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia Nhật, nếu ngành thủy sản Việt Nam chỉ cần nâng cao được giá trị chế biến sâu cho các mặt hàng thủy sản, đáp ứng tiêu chuẩn của người Nhật thì riêng thị trường Nhật cũng đủ giúp doanh nghiệp thủy sản Việt Nam ăn nên làm ra. 

Không thể bỏ qua bao bì

Lâu nay doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến thiết kế bao bì sản phẩm. Việc này dễ hiểu, khi thời gian qua doanh nghiệp chỉ xuất khẩu sản phẩm thô, sản xuất theo đơn đặt hàng của nhà nhập khẩu là chính, nên không mấy quan tâm việc thiết kế bao bì sản phẩm.

Theo ông Trần Ngọc Danh, Hiệp hội Thiết kế Việt Nam, một sản phẩm thủy sản từ tay ngư dân đến doanh nghiệp chế biến, khối lượng sản phẩm không thay đổi nhiều, giá cũng không chênh là bao. Song, khi qua khâu đóng gói với bao bì thân thiện môi trường, đẹp… thì giá trị sản phẩm tăng nhiều lần. Cũng theo ông Danh, người mua hàng thường quyết định mua hàng trong 5 – 8 giây; bao bì sản phẩm là điều đầu tiên khách hàng chú ý trên kệ hàng, góp phần lớn vào quyết định mua hàng của họ. Do đó, doanh nghiệp cần quan tâm bao bì, thiết kế để tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm của mình.

Còn tiến sĩ Fredric William Swierczek, Viện Công nghệ châu Á thì nhận định rằng, các nhà bán lẻ lớn trên thế giới đang rất quan tâm thủy sản đánh bắt bền vững, sử dụng bao bì đóng gói hợp lý khi quan tâm và ưu tiên việc giảm lãng phí bao gói và khí thải nhà kính. Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng buộc phải theo hướng này,trong bối cảnh hiện nay.

>> Theo ông Rogenberger, Phó tổng Giám đốc điều hành Công ty Nienstedt (Đức): Công nghệ của các doanh nghiệp chế biến cá tra của Việt Nam khá tốt nhưng mới dừng ở chế biến thô nên đa số doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ theo hướng tăng chất lượng và giá trị mà người tiêu dùng đang cần. Tuy vậy, để hiện thực hóa việc này, cần phải nắm được thị hiếu người tiêu dùng, máy móc thiết bị, nhân lực quản trị, thách thức đầu tư.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *