Khát vọng hùng cường

Kinh tế tăng trưởng

Năm 2020, nền kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng dương khi đạt mức 2,91% và Việt Nam là một trong bốn nền kinh tế trên thế giới có được sự tăng trưởng về GDP bình quân đầu người (Việt Nam, Đài Loan, Ai Cập và Trung Quốc).

Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 khu vực ASEAN. GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.800 USD. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 – 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 – 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Tính chung trong 5 năm, nền kinh tế tạo được hơn 8 triệu việc làm mới, thu nhập lao động bình quân 5.000 USD/năm, thu nhập bình quân trong 5 năm đã tăng gần 145%. Tạp chí The Economist tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam nằm trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo World Bank, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016 – 2019, Việt Nam thuộc top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất.

Trong thành tựu chung của nền kinh tế, thì theo nhận định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ; an ninh lương thực được bảo đảm; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ đang trở thành xu hướng; xuất khẩu nông sản đạt 41,2 tỷ USD.

Nhắc đến vai trò của nông nghiệp nước nhà không thể không điểm tới sự đóng góp quan trọng của ngành thủy sản, một lá cờ đầu trong xuất khẩu của Việt Nam kể từ thời kỳ đổi mới cuối những năm 1980. Cho đến nay, sản phẩm thủy sản Việt Nam có mặt ở tất cả các châu lục trên thế giới và cạnh tranh sòng phẳng với mọi cường quốc. Đặc biệt, trong năm 2020, ngành hàng này càng thể hiện được vị thế của mình trong bối cảnh tác động từ đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, mang về giá trị kim ngạch 8,4 tỷ USD; đây là một kết quả “vượt hơn sự mong đợi” khi mà chuỗi cung ứng thực phẩm trên toàn cầu hiện đang điêu đứng vì COVID-19.

Trở về câu chuyện của những năm đất nước mới thống nhất, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Hồng Cẩn nhớ lại: “Sau nhiều năm đất nước bị chia cắt, cảm giác của sự toàn vẹn non sông đem lại sự xúc động lớn lao. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước kỳ vọng vào ngành thủy sản khi đất nước chúng ta đã thống nhất được vùng biển rộng lớn từ Bắc chí Nam, được sống trong hòa bình, khắp nơi thi đua đánh bắt hải sản. Ai cũng tin tưởng rằng kinh tế biển sẽ đưa đất nước chúng ta tiến lên”. Một chặng đường gian nan, rất đỗi tự hào và bên cạnh đó cũng rất nhiều bài học đắt giá phải trải qua, cho đến nay, ngành thủy sản Việt Nam vẫn cho thấy sức trẻ trong tư duy, tinh thần sáng tạo, sự đoàn kết và trên hết là trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng. Lớp cha trước lớp con sau, anh trước em sau…, các thế hệ tiếp nối nhau đưa sản phẩm thủy sản Việt Nam chinh phục thế giới.

Với hơn 170 thị trường ở 5 châu lục, công nghệ chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ tiên tiến, trong giai đoạn 2015 – 2020, Việt Nam luôn là 1 trong 5 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới, tăng trưởng trung bình hàng năm 8 – 10% trong 5 năm qua. Với bề dày truyền thống, bản chất chăm chỉ, thông minh sáng tạo và tấm lòng trách nhiệm của từng người công nhân, nông dân tới các kỹ sư, các chuyên gia và nhà quản lý trong ngành; tin tưởng rằng thủy sản Việt Nam năm 2021 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục viết nên những chương mới vẻ vang, không ngừng thiết lập những dấu mốc mới bằng vàng trên con đường phát triển lịch sử vì một đất nước Việt Nam hùng cường.

Vượt qua đại dịch COVID-19

Năm 2020 được ghi nhận như một bước ngoặt lớn của nhân loại khi đại dịch COVID-19 gây ra những tác hại vô cùng lớn về kinh tế, đảo lộn đời sống xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Hơn 80 triệu người nhiễm bệnh tính đến cuối tháng 12; trong đó, hơn 1,7 triệu người đã chết và dường như, cơn đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.Tuy nhiên, trong bối cảnh ấy, Việt Nam đã làm được những điều kỳ diệu khi kiềm chế số ca nhiễm dịch và số người chết vì COVID-19 ở mức thấp nhất (hơn 1.400 người nhiễm bệnh, 35 người chết).

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia thành công nhất trong phòng, chống dịch COVID-19, huy động được toàn bộ hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia phòng chống COVID-19 với chi phí thấp nhất; thành công này của Việt Nam được xem như một tấm gương để nhiều nước học tập, nghiên cứu. Việt Nam là một trong bốn quốc gia đầu tiên phân lập được virus corona chủng mới. Chỉ trong một thời gian ngắn Việt Nam đã chủ động sản xuất được máy thở, sinh phẩm chẩn đoán và bắt đầu thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19.

Hội nhập sâu rộng

Năm 2020, Việt Nam cũng ghi nhận những mốc mới trong hội nhập quốc tế, với sự nâng cao một bước vị trí, uy tín và năng lực đảm nhận “trọng trách kép” khi đồng thời là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN. Đặc biệt, Việt Nam xây dựng được những “cao tốc” đến các thị trường lớn của thế giới, với việc phê chuẩn và triển khai có hiệu quả EVFTA; tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA)…

Tổng Bí thư  – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Đến nay, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có quy mô dân số gần 100 triệu người với mức thu nhập bình quân 2.800 USD/người; đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế, trở thành một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động của cộng đồng quốc tế. Mới đây, Việt Nam được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu với số phiếu tín nhiệm rất cao, gần như tuyệt đối, lần thứ hai trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

Tự tin viết tiếp kỳ tích mới

Với những kỳ tích đã đạt được, 2020 có thể được xem là năm thành công nhất của Việt Nam trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên. Đó là thành công của niềm tin đối với Đảng, với tương lai của đất nước, khi Chính phủ đã lan tỏa tinh thần kiến tạo, vì dân mạnh mẽ, khơi dậy sức mạnh nội tại, khả năng chống chịu, tinh thần đồng thuận xã hội.

Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa Việt Nam, thu hút nhân tài, trọng dụng nhân tài, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo động lực mới cho phát triển đất nước.

Hướng đến năm 2021 và những năm tiếp theo, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%, lạm phát khoảng 4%, nhưng Chính phủ phấn đấu điều hành GDP năm 2021 đạt mức 6,5%.

2021 là một năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, trong đó nổi bật là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vững tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong hơn 90 năm qua, chúng ta tin tưởng rằng, Đại hội sẽ thành công tốt đẹp, vạch ra đường lối phát triển cho 5 năm tới và tầm nhìn cho chặng đường tiếp theo; đưa đất nước tiếp tục đi tới những thắng lợi mới để chào đón hai mốc kỷ niệm 100 năm đầy ý nghĩa: 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2030 và 100 năm thành lập nước vào năm 2045.

Nguyễn Anh

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *