Khánh Hòa: Tôm hùm khó tiêu thụ
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, tôm hùm là đối tượng nuôi biển trọng điểm của tỉnh, được nuôi trên 4 vùng nuôi: huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, TP Nha Trang và TP Cam Ranh. Hiện toàn tỉnh có 63.421 ô lồng nuôi tôm hùm, chủ yếu là tôm hùm bông và tôm hùm xanh; sản lượng tôm hùm ước đạt trên dưới 1.000 tấn/ vụ nuôi.
Tại vùng nuôi tôm hùm trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, bà con nông dân cho biết, không chỉ có giá tôm hùm, tất cả các loại thủy sản nuôi trồng ở huyện đều bị rớt giá hoặc không có người thu mua. Hiện, tôm hùm bông loại 1 – 1 kg trở lên/con giá bán chưa đến 1,3 triệu đồng/kg; loại 2 (0,7 – 1 kg/con) có giá 1,15 triệu đồng/kg; loại 3 (0,4 – 0,7 kg/con) là 1,05 triệu đồng/kg; tôm hùm xanh 700.000 đồng/kg. Trong khi trước Tết Nguyên đán, giá tôm hùm bông loại 1 – 2,1 triệu đồng/kg, tôm hùm xanh 1 triệu đồng/kg.
Thời điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần, giá tôm hùm bật tăng trong một thời gian ngắn nhờ sức tiêu thụ trong nước tăng, nhiều chủ bè nuôi đã nhanh tay xuất bán tôm loại 1. Hiện tại, lượng tôm hùm loại 1 đã được bán hết, chỉ còn loại 2, loại 3 và tôm hùm xanh là vẫn còn số lượng lớn chưa tiêu thụ được. Nguyên nhân của tình trạng này do lâu nay tôm hùm xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng nay việc xuất khẩu đang gặp khó khăn khi Trung Quốc liên tục đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch COVID-19; còn tiêu thụ nội địa thì sức mua yếu.
Ảnh minh họa
Vì tôm hùm loại 2, 3 không bán được bà con nông dân đành phải nuôi cầm cự, nhưng chi phí nuôi khá lớn. Trong khi đó, với các hộ nuôi tôm hùm lứa mới, phần lớn họ vẫn đang lưỡng lự đầu tư, do khó khăn trong tiêu thụ, phần khác do giá giống tăng cao.
Không chỉ vậy, giá xăng dầu tăng kéo theo các mặt hàng đều tăng giá, đẩy chi phí đầu tư nuôi tôm lên cao, nhất là giá thức ăn cho tôm; tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi lớn, nếu đầu ra vẫn bấp bênh như hiện nay thì người nuôi sẽ thua lỗ.
Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cho biết, kết quả quan trắc môi trường nước lợ và nước vùng nuôi tôm hùm tháng 1,2 và đầu tháng 3 ở các tỉnh Nam Trung bộ; trong đó, có Khánh Hòa có biểu hiện ô nhiễm N-NH4+, COD, mật độ Vibrio vượt ngưỡng cho phép. Riêng nước vùng nuôi tôm hùm đã phát hiện một số loài tảo độc có khả năng gây hại cho tôm hùm nuôi. Dự báo, thời tiết trong thời gian đến còn phức tạp, tôm hùm nuôi lồng dễ bị bệnh, đặc biệt là bệnh sữa, bệnh đỏ thân.
Để chủ động ứng phó với thời tiết, ổn định và duy trì hoạt động nuôi trồng thủy sản, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III khuyến cáo người dân cần tuân thủ quy hoạch về vùng nuôi, kế hoạch thả nuôi và các hướng dẫn của các cơ quan chức năng tại địa phương. Trong giai đoạn cuối tháng 3 này cần sử dụng thức ăn tươi sống có bổ sung thêm các chế phẩm sinh học, các loại vitamin và khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm. Khi thời tiết nắng nóng và chuyển mùa (tháng 4-6/2022), thường xuyên theo dõi môi trường nước, nhất là màu nước xung quanh lồng/ bè nuôi để có các biện pháp xử lý kịp thời. Trước mắt, khi thả giống tôm, cần theo dõi thời tiết, tránh thả tôm lúc biển động và có mưa. Chú ý chọn con giống tốt nhất địa phương, hay có giống có tỷ lệ dị hình < 0,5%, không bị nhiễm bệnh sữa. Trong quá trình nuôi, cần lặn kiểm tra sức khỏe tôm hùm nuôi cùng với việc thu gom thức ăn thừa, vỏ lột của tôm để đưa vào đất liền và phối hợp với các đơn vị để xử lý môi trường triệt để.
Minh Hiếu
Bình luận gần đây