Khánh Hòa: Các cơ sở sản xuất nước mắm: Mong có làng nghề tập trung
Sản xuất trong khu dân cư
Ông Đỗ Hữu Việt – Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Nha Trang cho biết, hiện nay ở Nha Trang có 39 DN sản xuất nước mắm (tham gia Hiệp hội) và hàng chục hộ sản xuất nhỏ lẻ nằm rải rác trong khu dân cư ven biển. Các DN lớn cũng nằm rải rác, không tập trung và chưa có sự liên kết rõ nét. Nha Trang là vùng sản xuất nước mắm lâu đời và có đặc trưng riêng. Thế nhưng, hơn 10 năm nay, việc quy hoạch một khu vực sản xuất nước mắm tập trung vẫn chưa thực hiện được, trong khi ở các tỉnh như: Phú Yên, Bình Thuận… không mạnh bằng Nha Trang – Khánh Hòa ở lĩnh vực này nhưng đã có làng nghề tập trung.
Sản xuất nước mắm tại Công ty TNHH Chế biến nước mắm Thành Long (phường Vĩnh Trường).
Việc không được tập trung vào làng nghề nằm xa khu dân cư đã khiến hoạt động sản xuất gặp bất lợi lớn. Thứ nhất, các DN không dám đầu tư công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, năng suất vì không biết đến khi nào sẽ di dời. Thứ hai, do nước mắm luôn có mùi đặc trưng nên người dân thường xuyên khiếu nại, phản ứng, làm ảnh hưởng đến DN. “Sản xuất nước mắm gây bốc mùi nhất là ở giai đoạn phá xác. Khi cá ướp trong thùng khoảng 8 tháng đến 1 năm thì đổ nước vào ủ tiếp để bòn sạch các loại đạm trong cá, vì thế có mùi rất khó chịu”, ông Việt cho hay.
Theo ông Nguyễn Hữu Cường – Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Trường, trên địa bàn phường có 7 DN và 22 hộ sản xuất nước mắm. Các cơ sở này nằm rải rác trong khu dân cư. Việc này dẫn đến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, chất lượng và vấn đề vệ sinh môi trường khó kiểm soát, khó duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, việc quảng bá sản phẩm gặp nhiều vướng mắc. Ngoài ra, việc tiêu thụ sản phẩm cũng gặp khó khăn vì các cơ sở sản xuất (CSSX) manh mún…
Mỏi mòn chờ làng nghề
Theo Hiệp hội Nước mắm Nha Trang, việc quy hoạch làng nghề nước mắm tập trung được nhắc đến từ năm 2005. Lúc đó, UBND tỉnh quy hoạch nghề sản xuất nước mắm vào khu vực Bắc Hòn Ông (xã Phước Đồng). Tuy nhiên, do Công ty Hoàn Cầu thực hiện dự án du lịch; việc sản xuất nước mắm sẽ bốc mùi, gây ảnh hưởng đến phát triển du lịch nên quy hoạch đó bị hủy bỏ. Sau đó, quy hoạch được dời về khu vực phía Bắc sông Quán Trường (xã Phước Đồng), tuy nhiên, quy hoạch này cũng bị hủy bỏ. Hiện nay, quy hoạch được dời về khu vực Trảng É (xã Suối Tân và Suối Cát, huyện Cam Lâm). “Nếu được di dời vào làng nghề sản xuất tập trung thì DN nhỏ cần khoảng 0,5 – 1ha đất, DN lớn cần khoảng 3 – 5ha đất. Dự tính, làng nghề sản xuất nước mắm tập trung cần khoảng 30 – 40ha. Hiện nay, các DN sản xuất nước mắm mong muốn có đất sạch, đã được đầu tư cơ sở hạ tầng để thuê”, ông Việt cho hay. Trong khi đó, lãnh đạo phường Vĩnh Trường cho biết, đã nhiều lần địa phương có ý kiến bằng văn bản hoặc trong các cuộc họp với UBND tỉnh về sự cần thiết quy hoạch tập trung các CSSX nước mắm. Hiện nay, mỗi năm, 22 hộ gia đình trong phường bán ra khoảng 5 triệu lít nước mắm. Tuy nhiên, do sản xuất manh mún nên các hộ phải tự mày mò tìm thị trường. Theo ông Cường, nên quy hoạch làng nghề tại khu vực phường Vĩnh Trường, bởi nếu đưa đi xa, các hộ sản xuất nhỏ lẻ không thể di dời được do không có kinh phí.
Sản xuất nước mắm tại cơ sở Ngọc Hà (phường Vĩnh Trường).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, hiện nay, UBND tỉnh đang giao cho Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khatoco làm chủ đầu tư dự án Cụm công nghiệp Trảng É. Ông Nguyễn Chí Bình – Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khatoco cho biết, hiện nay, Công ty đang làm đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 để trình UBND tỉnh phê duyệt. Dự kiến, năm 2014, Công ty sẽ hoàn thành các thủ tục đầu tư để năm 2015 triển khai cụm 1. Năm 2017, cụm 1 sẽ hoàn thiện để di dời các CSSX của Tổng Công ty Khánh Việt và một số CSSX khác vào. Sau khi cụm 1 lấp đầy 70% CSSX, Công ty sẽ triển khai cụm 2. Theo ông Bình, hiện nay, Công ty vẫn chưa xác định được làng nghề sản xuất nước mắm tập trung sẽ vào cụm nào.
Ông Lê Hoàng Thọ – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, việc sản xuất nước mắm tập trung là hết sức cần thiết. Khi đó, các DN mới mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, đổi mới công tác quản lý, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, còn giúp tạo điều kiện thuận lợi để du khách đến tham quan, giới thiệu và quảng bá sản phẩm.
Bình luận gần đây