Khẳng định vị thế tôm Việt

  Ảnh: Thanh Cường

Ảnh: Thanh Cường

Đánh giá thực lực

Báo cáo thống kê của Bộ NN&PTNT, sản xuất và xuất khẩu tôm liên tục phát triển trong nhiều năm qua từ thời kỳ đổi mới đến nay đã tạo một vị thế đáng kể của Việt Nam trong ngành tôm toàn cầu. Việt Nam hiện đứng thứ 3 về sản xuất tôm trên thế giới (sau Trung Quốc và Indonesia). Với sản lượng từ 600.000 – 650.000 tấn/năm; dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú với sản lượng 300.000 tấn/năm và luôn nằm trong top 5 quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới.

Tôm Việt Nam là một trong số không nhiều các mặt hàng đã xuất khẩu tới 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời Việt Nam là nhà cung cấp tôm lớn nhất vào thị trường Nhật Bản, lớn thứ 3 ở thị trường Mỹ và thứ 4 trong khối EU.

Xuất khẩu tôm nước lợ giữ vai trò quan trọng trong ngành thủy sản với khoảng 45% tổng giá trị kim ngạch. Tôm nước lợ cũng giúp tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân của 30 tỉnh thành trên toàn quốc.

Khó khăn trong khẳng định vị thế

Liên tục mấy năm trở lại đây, mặc dù đã khắc phục được dịch bệnh và duy trì kim ngạch xuất khẩu khá nhưng rõ ràng ngành tôm Việt Nam đang bị thu hẹp thị phần và chịu sự cạnh tranh gay gắt tại nhiều thị trường quan trọng như Mỹ và châu Âu. Thị trường Nhật Bản cũng tỏ ra e dè với chất lượng tôm Việt Nam. Trước tình hình này, để ngành tôm không rơi vào những bước lùi của suy thoái, Việt Nam cần những cú hích lớn cho ngành tôm.

Theo đánh giá, tại thủ phủ tôm Cà Mau, diện tích nuôi tôm nước lợ đã đạt ngưỡng với 278.000 ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 282.000 tấn, trong đó tôm đạt 146.000 tấn; năng suất tôm nuôi bình quân 521 kg/ha/năm. Tỉnh này cũng có 34 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, công suất 150.000 tấn thành phẩm/năm, trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu tôm Cà Mau đạt khoảng 1 tỷ USD. Tuy vậy, năm 2016 độ mặn tăng cao, tôm chậm lớn, dễ bị dịch bệnh và chết hàng loạt, tổng diện tích tôm nuôi của Cà Mau bị thiệt hại khoảng 155.890 ha (Kiên Giang 13.800 ha và Bạc Liêu 18.448 ha).

Công tác giống cũng bộc lộ hạn chế. Trong khi tốc độ tăng trưởng của ngành khoảng 12%/năm thì ngành tôm giống vẫn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ 180.000 – 260.000 con tôm thẻ chân trắng bố mẹ (90%). Giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao. Nguyên nhân được cho là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp). Tuy nhiên, uy tín thương hiệu ảnh hưởng chủ yếu do tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở các cơ sở nuôi và chế biến nhỏ lẻ.

Nỗ lực tìm đầu ra

Các nhà chuyên môn dự kiến xuất khẩu tôm năm 2017 đạt 3,3 tỷ USD, tăng 9% so năm 2016. Trong đó tôm thẻ chân trắng 2 tỷ USD, tăng 8% và tôm sú 900 triệu USD, tăng 2%. Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu tôm đạt trên 4,5 tỷ USD; và 8 – 10 tỷ USD vào năm 2030.

Con số 10 tỷ USD xuất khẩu tôm phần nào “gây sock”, song với người trong cuộc đây là mục tiêu khả thi với điều kiện Việt Nam. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho báo chí biết “Ecuador có 175.000 ha nhưng sản lượng tôm bằng nước ta 700.000 ha. Nếu như sản lượng tôm nuôi chúng ta bằng 2/3 sản lượng tôm nuôi của Ecuador thì nước ta có khả năng xuất khẩu 14 tỷ USD về tôm”. Vấn đề của Việt Nam vẫn là năng suất tôm còn thấp và tỷ lệ nuôi tôm thành công chưa cao.

Song thách thức lớn nhất vẫn là thị trường. Trước mắt năm 2017 được đánh giá sẽ là năm khó khăn về đầu ra. Nếu các thị trường lớn như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản… vẫn tiếp tục siết chặt kiểm tra tôm nhập khẩu mà Việt Nam không giải quyết được vấn đề lạm dụng kháng sinh thì việc mở rộng thị trường cho tôm Việt Nam sẽ rất khó. Ngoài ra, giới kinh doanh còn đang “nín thở” với những chính sách bảo hộ nền kinh tế trong nước đang trỗi dậy ở Anh, ở Mỹ. 

Tranh thủ cơ hội để tăng tốc

Theo thông tin từ báo chí Thái Lan thì năm 2017 ngành tôm nước này sẽ tiếp tục phục hồi, mặc dù chưa được như thời kỳ hưng thịnh nhưng cũng sẽ tăng khoảng gần 20% so với năm 2016. Đây sẽ là bài toán cho con tôm Việt Nam trên một số thị trường.

Song, một số thị trường vẫn tiêu thụ tôm Việt Nam khá mạnh, điển hình là thị trường Trung Quốc, với dự kiến xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang nước này đạt 1 tỷ USD trong năm 2017. Ngoài ra, khá nhiều thị trường khác đang có sự tăng trưởng đáng kể như ASEAN, Australia, Hàn Quốc… 

Đa số ý kiến các chuyên gia đều cho rằng, đầu tư phát triển ngành tôm sẽ có hiệu quả hơn khi kết hợp với nhiều chương trình khác. Điển hình là việc phát triển ngành tôm sẽ kết hợp với chương trình phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất con giống. Nhiều tỉnh, thành đã đề xuất Chính phủ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất con giống công nghệ cao. Tái cơ cấu ngành tôm cũng nên được triển khai đồng bộ với kịch bản biến đổi khí hậu; trong đó sử dụng những diện tích đang bị mặn hóa thành các vùng tôm – lúa và chuyên canh tôm, với hệ thống tiêu thoát nước phù hợp với diễn biến tình hình mới.

Để giảm giá thành, không thể không xây dựng những vùng nguyên liệu cho ngành công nghiệp sản xuất thức ăn nuôi tôm, đó chính là sự liên kết giữa vùng đồng bằng và các vùng trung du miền núi, nhằm tăng cường trồng trọt ngô, đậu… giảm chi phí nhập khẩu thức ăn.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, Việt Nam cần xây dựng một thương hiệu ngành tôm mạnh, từ đó hình thành nhiều doanh nghiệp, nhiều thương hiệu mang tính khu vực và quốc tế, để khai thác nguồn tôm nguyên liệu của các nước khác như Thái Lan, Ấn Độ… cho sản xuất tôm xuất khẩu chất lượng cao, giá thành hạ. 

Nếu ngành tôm các nước chủ yếu phụ thuộc vào các đại gia, vào tầng lớp quý tộc, thì ở Việt Nam ngành tôm phát huy được sức mạnh của toàn xã hội, nhà nhà nuôi tôm. Các chuyên gia nước ngoài đều cho rằng, sức mạnh và sự thành công của ngành tôm Việt Nam nằm chính ở sự đoàn kết của cộng đồng nuôi tôm. Nếu phát huy được tinh thần trách nhiệm vì thương hiệu chung, nâng cao chất lượng và nâng cao tinh thần trách nhiệm với sản phẩm xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn sẽ là một thương hiệu lớn của thế giới trong năm 2017 và những năm tiếp theo.

>> Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Dư địa để phát triển con tôm là rất lớn; thị trường tôm tới đây và những năm tới chưa có giới hạn về đầu ra. Cho đến nay không có con gì nuôi mà tốc độ sinh khối, giá trị thu nhập cao như con tôm nếu làm đúng. Hiện tại, chúng ta đã tạo dựng được những yếu tố cơ bản ban đầu cho hình thành ngành công nghiệp tôm. Tiềm năng phát triển con tôm không chỉ trên 3 tỷ USD và 700.000 ha như hiện nay.;

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *