Khai thác triệt để ưu thế con tôm

Xuất khẩu tăng tốt nhưng lãi không nhiều

Theo kết quả thống kê, xuất khẩu tôm cả nước trong 3 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt mức tăng khoảng 3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn “than” về chuyện thiếu tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, cho biết: “Hiện nay, một số doanh nghiệp than phiền chuyện khan hiếm tôm nguyên liệu chủ yếu là do họ mở rộng công suất nhà máy nên tăng trưởng không đạt như kỳ vọng. Cho nên, đây chưa phải là cái khó lớn nhất của doanh nghiệp từ đầu năm đến nay, mà chính cước phí vận tải quốc tế tăng cao đã “ăn” hết vào lợi nhuận của doanh nghiệp và tạo hiệu ứng tăng giá nhiều mặt hàng đầu vào của ngành chế biến thêm 20 – 40%. Trong khi đó, giá tôm xuất khẩu thì gần như không tăng, do người tiêu dùng phải thắt chặt một phần chi tiêu vì chưa yên tâm với tình hình dịch Covid-19”. 

Thị trường xuất khẩu tôm Việt vẫn có lợi thế. Ảnh: Trần Út

Liên quan đến Covid-19 tác động đến ngành tôm, các doanh nghiệp cho rằng, hiện nhiều nước dù đã có vaccine nhưng vẫn rất hạn chế trong việc mở cửa nền kinh tế vì lo ngại dịch tái lại bùng phát. Ngay cả việc áp dụng hộ chiếu vaccine dù đã được nhắc đến nhưng hiện nhiều nước vẫn còn cân nhắc, chưa chấp nhận. Tâm lý trên làm cho giá bán chưa thể cải thiện được, nên dù chi phí đầu vào hầu hết đều tăng mạnh nhưng doanh nghiệp vẫn không thể đưa hết tất cả chi phí vào giá bán; vì khi đó giá bán sẽ rất cao, khách hàng sẽ không mua mà chuyển sang sử dụng sản phẩm thay thế khác phù hợp với thu nhập thời đại dịch.

Giá tôm tăng thiếu ổn định

Không riêng gì doanh nghiệp xuất khẩu, người nuôi tôm cũng đối mặt với khó khăn khi không chỉ có giá thức ăn tăng mạnh vài nghìn đồng mỗi kg mà gần như các chi phí đầu vào khác cũng đều tăng. Theo dự báo, giá thức ăn tới đây sẽ còn tiếp tục tăng thêm do hầu hết các nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi đều tăng. Trong khi giá đầu vào của nghề nuôi liên tục tăng thì giá tôm nguyên liệu thời gian gần đây lại đang có xu hướng giảm, nhất là giá TTTC cỡ nhỏ (30 – 100 con/kg). Nếu như TTCT loại 100 con/kg trong 3 tháng đầu năm luôn ở mức 105.000 – 107.000 đồng/kg thì hiện chỉ còn trên dưới 90.000 đồng/kg, còn TTCT loại 30 con/kg trước đây có giá đến 178.000 đồng/kg nay cao nhất chỉ còn 162.000 đồng/kg. Riêng TTCT cỡ lớn (20 – 25 con/kg) giá vẫn ổn định ở mức cao.

Giá TTCT hiện tại tuy có giảm so với 3 tháng đầu năm nhưng nhìn chung vẫn đạt mức khá cao so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, điều người nuôi tôm đang lo lắng là liệu giá tôm có còn tiếp tục giảm thêm khi vào vụ thu hoạch rộ hay không. Về vấn đề này, ông Hồ Quốc Lực cho biết: “Giá tôm hiện vẫn neo ở mức cao hơn năm rồi, nhưng khi vào vụ khả năng sẽ giảm (cao điểm là tháng 6 – 8), đến tháng 9 hết vụ sẽ tăng trở lại. Các động thái thị trường trong 3 tháng đầu năm cho thấy, mức tồn kho là bình thường, thị trường Mỹ vẫn nhập hàng ở mức trung bình chứ chưa có đột biến. Do đó, các doanh nghiệp phải cân đối trước khi ký hợp đồng, nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động, nhưng thấp quá thì không dám ký”. 

Tận dụng ưu thế

Hiện nay, Việt Nam đang có thuận lợi là tôm phát triển tốt và dự báo mưa sớm, cùng với hệ thống mô hình nuôi mới rất hiệu quả nên cơ bản vụ tôm năm nay sẽ tốt (quy trình nuôi tốt + thời tiết tốt). Còn các đối thủ tôm của Việt Nam, như: Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia… đang bị dịch Covid-19 nặng, nguy cơ đứt gãy chuỗi chuỗi cung ứng tôm khá cao, nên khả năng năm nay sản lượng tôm Ấn Độ sẽ không nhiều, còn Indonesia theo dự báo cũng chỉ vào khoảng 300.000 tấn. Đối với Thái Lan, lao động ngành tôm khu vực phía bắc quốc gia này chủ yếu từ Myanmar sang nhưng do hiện Thái Lan đang có dịch nên dẫn đến thiếu hụt lao động, nhà máy không tiêu thụ nhiều, người nuôi không an tâm, nên khả năng lượng tôm Thái Lan cũng sẽ không tăng. 

Do đó, theo các doanh nghiệp, để tính toán giá bán tôm như thế nào còn phải đợi xem diễn biến cung cầu thế giới và đặc biệt là diễn biến của dịch Covid-19. Ông Lực phân tích: “Ví dụ như thị trường Nhật Bản, dù tháng 7 là đến thế vận hội Olympic, nhưng hiện vẫn chưa cho phép nhập cảnh rộng rãi, nên khả năng khách du lịch mùa Olympic chưa chắc đã tăng, nhu cầu tôm vì thế chưa thể dự đoán được. Riêng các nhà nhập khẩu tôm, chỉ khi nào có kế hoạch bán hàng thì họ mới có kế hoạch mua hàng, chứ không mua ồ ạt để dự trữ, trừ khi nhận thấy khan hiếm nguồn hàng họ mới dự trữ để giảm rủi ro”.

An Xuyên

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *