Khắc phục tồn tại trong chất lượng thủy sản xuất khẩu
Nafiqad cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2021, qua kết quả thẩm định, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu cho thấy số lô hàng thủy sản xuất khẩu (vào các thị trường có yêu cầu kiểm tra, chứng nhận bởi Nafiqad) không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm tăng so với cùng kỳ (lô hàng bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo và do các Trung tâm vùng phát hiện không đạt chiếm 0,33%, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2020 là 0,16%), trong đó, các lô hàng bị cảnh báo liên quan đến vi sinh chiếm gần 65%.
Chất lượng hoạt động truy xuất nguồn gốc, điều tra nguyên nhân, thiết lập và thực hiện các biện pháp khắc phục phòng ngừa của các doanh nghiệp có lô hàng bị cảnh báo còn hạn chế, chậm thời hạn, đặc biệt một số trường hợp quá trình thực hiện kéo dài hoặc không thực hiện đúng, đủ nội dung theo yêu cầu của Cục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như uy tín của Cục đối với Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu.
Các trường hợp có sai lệch thông tin của chứng thư đã cấp với thông tin thực tế lô hàng được xuất khẩu tăng mạnh (28 trường hợp trong vòng 4 tháng), trong đó hơn 95% các trường hợp là lô hàng của cơ sở trong danh sách ưu tiên…
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên và tiếp tục nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản trong bối cảnh sản xuất kinh doanh khó khăn, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đề nghị các doanh nghiệp chế biến thủy sản thực hiện các biện pháp phòng ngừa sai lỗi liên quan đến chứng thư; thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến thủy sản. Cùng đó, các doanh nghiệp cần tăng cường kiểm soát, phòng ngừa để tránh các vi phạm thuộc phạm vi bị xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là các sai lỗi thuộc về hệ thống quản lý chất lượng theo HACCP; đảm bảo vệ sinh công nghiệp; an toàn thực phẩm và xuất xứ nguyên liệu; ghi nhãn…
Bình luận gần đây