Indonesia: Ủng hộ quy định chống buôn lậu tôm hùm của Singapore

Theo nguồn tin địa phương, từ ngày 1/10/2023, Cục An toàn thực phẩm Singapore (SFA) đã yêu cầu các doanh nghiệp tham gia hoạt động tái xuất khấu động vật sống phải cung cấp chứng nhận kiểm dịch từ nước xuất xứ. Quy định này áp dụng cho các thị trường yêu cầu chứng thư kiểm dịch khi nhập khẩu động vật sống từ Singapore. SFA cho biết quy định mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và áp dụng đối với tất cả động vật sống, gồm cả con giống và trứng. 

Tôm hùm giống của Indonesia chủ yếu được xuất khẩu lậu sang  Singapore để tái xuất tới Việt Nam hoặc Trung Quốc. Ảnh: Mongabay

Theo Adin Nurawaluddin, người đứng đầu Cơ quan giám sát tài nguyên biển và nghề cá, thuộc Bộ Thủy sản Indonesia, quy định mới của Singapore đã tạo ra những tác động tích cực đối với ngành tôm hùm giống của nước này. Adin Nurawaluddin thông tin thêm, chính phủ Indonesia đang cấm xuất khẩu tôm hùm giống, nhưng hàng lậu vẫn bị tuồn ra nước ngoài với số lượng lớn mà điểm đến chủ yếu là Singapore. Từ đây, tôm hùm giống sẽ được tái xuất sang nước thứ ba như Việt Nam, Trung Quốc để nuôi và bán dưới dạng tôm thương phẩm với giá cao hơn nhiều. Cơ quan chức năng Indonesia cũng bắt giữ nhiều vụ buôn lậu tôm  hùm giống, với số lượng lên đến hàng trăm nghìn con. 

Được biết, quy định mới của SFA được đưa sau khi Cơ quan quản lý nghề cá Indonesia kêu gọi phía Singapore tăng cường kiểm soát an ninh khu vực biên giới trên biển giữa hai nước để trấn áp nạn buôn lậu tôm hùm giống và giải quyết nhiều vấn đề nhức nhối khác liên quan đến nạn khai thác hải sản IUU. Ông Adin Nurawaluddin cho biết, tội phạm buôn lậu thường sử dụng thủ đoạn trốn tránh tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Indonesia bằng cách xâm nhập vào lãnh hải của Singapore. Hiện, Singapore vẫn cho phép nhập khẩu tôm hùm giống để đáp ứng nhu cầu nuôi trong nước và phục vụ tái xuất khẩu. Đầu tháng 7/2023, cơ quan chức năng Indonesia đã bắt giữ vụ buôn lậu tôm hùm giống ở đảo Batam, cách Singapore chưa đầy 1 giờ đi thuyền. Lô hàng gồm 50.000 tôm hùm giống  Panulirus ornatusP. homarus, trị giá 358.000 USD đang trên đường đến Singapore. 

Theo ông Adin, tội phạm buôn lậu có thể giả mạo giấy tờ kiểm dịch, do đó, hai bên chính phủ cần tích cực hợp tác để đảm bảo tính hợp lệ của chứng từ xuất nhập khẩu. Ông đề xuất chính phủ Singapore thắt chặt kiểm dịch chứng từ kiểm dịch sản phẩm đường biển và cả đường hàng không. Phía Indonesia đã tăng cường an ninh tại sân bay và trên biển. Trong tháng 3/2023, nước này đã triển khai 4 tàu cao tốc để tuần tra vùng biển giữa đảo Riau và Singapore. Bộ Thủy sản Indonesia cho biết sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức của ngư dân để ngăn chặn xuất khẩu lậu tôm hùm giống. Những cá nhân vi phạm quy định có thể bị phạt tù tới 16 năm và phạt tiền lên đến 226.000 USD. 

Tôm hùm nằm trong nhóm mặt hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực của Indonesia. Tính riêng năm 2019, hoạt động buôn lậu tôm hùm đã khiến nước này thiệt hại 62 triệu USD mặc dù chính phủ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu vào năm 2016. Năm 2020, lệnh cấm được gỡ bỏ, nhưng chỉ một năm sau đó đã phải khôi phục trở lại theo lệnh của tân Bộ trưởng Bộ thủy sản Sakti Wahyu Trenggono. Cùng đó, chính phủ Indonesia cũng lên kế hoạch phát triển ngành nuôi tôm hùm trong nước để tăng cạnh tranh với tôm hùm Việt Nam. 

Tuấn Minh

(Theo Seafoodnews)

>> Bộ Thủy sản Indonesia ước tính trữ lượng tôm hùm hoang dã ở vùng biển nước này khoảng 27 tỷ con. Tuy nhiên, từ năm 2016, số lượng tôm hùm ở 6 trên tổng số 11 ngư trường đã bị khai thác quá mức, trong khi số còn lại đang được đánh bắt ở công suất tối đa.

 

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *