Indonesia tăng tốc ngành tôm

Chú trọng chất lượng

Tháng 3/2015, Tùy viên thương mại Đại sứ quán Indonesia tại Washington, Ni Made Ayu Marthini khẳng định ngành tôm Indonesia sẽ lập kỷ lục và thống trị thị trường Mỹ, với tổng giá trị xuất khẩu 93,5 triệu USD, chiếm 22,7% thị phần, sản phẩm chủ đạo là tôm nước ấm đông lạnh bóc vỏ. Dự kiến, Indonesia sẽ đẩy mạnh xuất khẩu lên 300%/năm 2019.         

Theo Made, Indonesia phải nỗ lực duy trì tốt đà phát triển theo hướng gia tăng sản lượng xuất khẩu trong thời gian dài thông qua chiến lược đảm bảo nguồn cung tôm sạch. May mắn, Indonesia có nhiều lợi thế khi ngành tôm không bị dịch bệnh EMS tàn phá. Nhiều nhà xuất khẩu tôm Indonesia cũng nhận định rằng tôm là sản phẩm thủy sản hàng đầu tại Mỹ, xét về nhu cầu tiêu thụ và độ phổ biến trên thị trường; do đó, xuất khẩu tôm là một lĩnh vực kinh doanh đầy hứa hẹn.

Tuy nhiên, trong cuộc đua tranh giành ngôi đầu bảng, một nguyên tắc mà các hãng xuất khẩu tôm Indonesia đều nắm chắc: chất lượng là yếu tố tiên quyết. Như thế có nghĩa, tôm phải được sản xuất trong điều kiện đảm bảo chất lượng tốt nhất, đáp ứng được những tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn vệ sinh thực phẩm tại thị trường nhập khẩu.

indonesia tăng tốc ngành tôm

Chế biến thủy sản ở Indonesia – Nguồn: Santosa

Người Mỹ ngày càng ưa chuộng thủy sản, là cơ hội cho các nước nuôi và chế biến tôm, không riêng Indonesia, đặc biệt từ khi nước này lên kế hoạch xây dựng và định hướng phát triển nguồn lực thủy hải sản trở thành mũi nhọn mới cho nền kinh tế. Năm 2014, tổng trị giá xuất khẩu thủy sản Indonesia sang Mỹ đạt 1,3 tỷ USD; trong khi đó tổng trị giá xuất khẩu tôm 1,1 triệu USD. Con số này đã đưa Indonesia trở thành nhà xuất khẩu thủy sản chính tại thị trường Mỹ, đặc biệt với mặt hàng tôm.

           

Nhà nước hỗ trợ

Năm 2014, Indonesia trở thành nước nuôi tôm lớn thứ hai thế giới, với sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng 31%, lên 504.000 tấn, sau Trung Quốc (955.000 tấn). Theo bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng Nghề cá biển Indonesia, với mục tiêu sản lượng tôm 785.900 tấn/năm 2015, Indonesia có thể thành nước sản xuất tôm lớn nhất châu Á và thế giới.

Chính phủ Indonesia cũng đang tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường và tăng cao thị phần tại Mỹ. Chính phủ kết hợp với doanh nghiệp để hoạt động hiệu quả và chủ động hơn, tại các hội chợ thương mại, gần đây nhất là Hội chợ thủy sản Bắc Mỹ (SENA) ở Boston (qua đó Indonesia đã thiết lập mạng lưới kinh doanh dày đặc các sản phẩm thủy hải sản tại thị trường Mỹ). Do khủng hoảng kinh tế, đồng Yên và EUR mất giá nên các nhà nhập khẩu của Nhật Bản và EU có xu hướng tìm tới nguồn cung tôm giá rẻ từ Ấn Độ, Indonesia. 4 tháng đầu năm 2015, Indonesia vượt qua Ấn Độ và Ecuador, trở thành nước dẫn đầu cung cấp tôm thịt đông lạnh cho thị trường Mỹ với giá rất cạnh tranh.

thị trường nhập khẩu tôm của Indonesia

Tính tới thời điểm hiện tại, Chính phủ Indonesia đã thả nổi tỷ giá 28% để khuyến khích xuất khẩu. Động thái này khiến giá sản phẩm của nhiều nước xuất khẩu tôm trong khu vực bị giảm sức cạnh tranh. Indonesia cũng đang phải đối diện các khó khăn tương tự các nước xuất khẩu tôm khác: giá tôm giảm, chi phí đầu vào tăng, dịch bệnh, tỷ lệ tôm chết cao, thu hoạch sớm (thu hoạch lúc tôm được khoảng 5 g) và tỷ lệ lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, với lợi thế về sản lượng, kinh nghiệm giải quyết dịch bệnh, đồng tiền thả nổi linh hoạt và không phải chịu các loại thuế từ thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm Indonesia từ nay đến cuối năm dự kiến tăng thị phần ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU.

>> Theo Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA), ngành tôm Indonesia bật lên từ năm 2014, sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh ít nhất đến năm 2017. Sản lượng tôm từ 300.000 tấn/năm 2013 sẽ vọt lên 800.000 tấn/năm 2017. Thái Lan, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Ấn Độ, Đài Loan sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm hơn; tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và Việt Nam không ổn định.

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *