GS-TS-NGND Nguyễn Lân Dũng: Chất lượng phải phù hợp với yêu cầu thị trường

Mừng – lo

Ông nói: Tôi vui mừng khi kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2014 đạt 30,8 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về các mặt hàng: gạo, cao su, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, sản phẩm gỗ và sản phẩm thủy sản. Nông nghiệp là ngành duy nhất có thặng dư xuất khẩu ròng tăng đều đặn, ngay cả trong thời điểm tăng trưởng kinh tế suy giảm, góp phần quan trọng để cân bằng thâm hụt thương mại quốc gia.

Tuy nhiên, ông lo lắng khi năm 2015 cánh cửa xuất khẩu đang mở rộng với 8 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đang đi vào giai đoạn xóa bỏ thuế quan sâu và 5 Hiệp định FTA khác sắp được ký kết. Làm thế nào để các doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản nắm bắt được cơ hội vàng này để giúp nông dân nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, đầu tư mạnh mẽ hơn cho công nghiệp bảo quản, chế biến sản phẩm và tìm kiếm nhiều thị trường xuất khẩu, hạn chế tối đa việc nhập khẩu nông, lâm, thủy sản?

GS-NGND Nguyễn Lân Dũng – Ảnh: NVCC

Ông cũng đề cập tới việc hàng triệu lao động thời vụ và chuyên nghiệp “ly nông bất ly hương”, đặc biệt tập trung tại các làng nghề là áp lực không nhỏ cho giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp theo chương trình mục tiêu quốc gia. Và một phương hướng để giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ thất nghiệp là đào tạo khả năng cho lao động làm công ăn lương ở nông thôn có thể tự tạo việc làm cho mình và cho xã hội. Trong đó cần sớm triển khai chương trình đào tạo nghề cho những người thuộc diện thu hồi đất để phát triển công nghiệp và đô thị, tránh tình trạng người dân sau khi nhận tiền đền bù ruộng đất phải lâm vào tình trạng thất nghiệp và không có thu nhập; từ đó phát sinh nhiều hệ lụy về mặt xã hội.

 

Đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế

Muốn phát triển nông, lâm, thủy sản theo hướng bền vững, GS-TS-NGND Nguyễn Lân Dũng cho rằng cần rất nhiều bứt phá về chính sách và những biện pháp đúng đắn. Yếu tố đầu tiên và căn bản là nông, lâm, thủy sản phải đảm bảo các yêu cầu: Chất lượng sản phẩm phù hợp yêu cầu ngày càng cao của thị trường, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm phải đa dạng, có hàm lượng công nghệ cao. Giá cả hợp lý, có sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Khối lượng nông sản phải có quy mô đủ lớn theo yêu cầu thị trường, nhất là của nhà nhập khẩu nông sản từ Việt Nam. Thời gian cung ứng nông, lâm, thủy sản phải đáp ứng yêu cầu khắt khe của nhà phân phối.

Muốn đáp ứng các yêu cầu, cần phải phát triển trên cơ sở thực hiện một nền nông nghiệp đa chức năng, vừa sản xuất nông phẩm hàng hóa vừa kết hợp phát triển du lịch sinh thái và tạo cảnh quan môi trường sống tốt đẹp cho con người; nông, lâm, thủy sản phải được sản xuất theo tiêu chuẩn hội nhập quốc tế và áp dụng công nghệ cao trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp từ chọn, tạo giống đến sản xuất và chế biến, bảo quản, tiêu thụ.

“Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm vai trò của Nhà nước trong việc thiết lập các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, định hướng, hướng dẫn nông dân sản xuất ra các sản phẩm có thể xuất khẩu được. Đồng thời, cần xác định trọng tâm, trọng điểm để tiến hành tái cơ cấu với vai trò không thể thiếu của doanh nghiệp trong sự thay đổi nông nghiệp, nông thôn” – ông nói.

>> GS-TS-NGND Nguyễn Lân Dũng: “Giải pháp đầu tiên là cần chuyển từ sản phẩm có giá trị thấp và tiềm năng thị trường thấp sang sản phẩm có giá trị cao và tiềm năng thị trường cao. Quy hoạch đất cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Chuyển đổi đất trồng lúa không hiệu quả sang trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, rau quả, thủy sản và các sản phẩm giá trị cao khác”.

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *