Gỡ vướng mắc thủ tục cho doanh nghiệp


Nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc thủ tục trong xuất, nhập khẩu hàng hóa

Thủ tục chồng thủ tục

Mới đây, VASEP tiếp tục có công văn gửi đích thân Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến kiến nghị vấn đề này. Công văn ghi rõ, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, thời gian qua khi Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT (sửa đổi Thông tư 26/2016) quy định về kiểm dịch thủy sản có hiệu lực, các doanh nghiệp khi nhập khẩu một số mặt hàng thủy sản chế biến bao gói sẵn đang gặp phải tình trạng bất cập: 1 lô hàng nhập khẩu cần phải có 2 giấy chứng nhận mới được thông quan. Cả 2 giấy chứng nhận này đều do cơ quan Thú y cửa khẩu cấp.

Trước đây, theo Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT, sau khi Cơ quan Thú y tiến hành thủ tục kiểm dịch cho lô hàng thủy sản nhập khẩu thì sẽ cấp “Giấy Chứng nhận kiểm dịch và vệ sinh ATTP cho động vật và sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm” theo mẫu 11TS để làm cơ sở cho Cơ quan Hải quan duyệt thông quan lô hàng (có cả kiểm dịch và cả ATTP).

Một văn bản pháp quy khác là Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật ATTP có hiệu lực từ 2/2/2018. Theo đó, các sản phẩm thủy sản đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm thì được miễn kiểm tra nhà nước về ATTP nhập khẩu, nhưng yêu cầu các sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn thì doanh nghiệp phải làm thủ tục tự công bố về ATTP và nộp hồ sơ tự công bố cho cơ quan Nhà nước.

Khi Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 10/2/2019 thì mẫu 11TS đã bị thay bằng mẫu mới ký hiệu “10TS” và chỉ cấp duy nhất “Giấy Chứng nhận Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu” không còn chữ “an toàn thực phẩm” trong mẫu này nữa.

Thế nhưng, các cơ quan Hải quan cửa khẩu không chấp nhận thông quan các lô hàng thủy sản bao gói sẵn nếu không có bất cứ văn bản nào của cơ quan chuyên ngành xác nhận đảm bảo về ATTP. Như vậy, hiện tại doanh nghiệp muốn nhập được hàng chế biến bao gói sẵn thì sẽ phải làm 2 hồ sơ là hồ sơ kiểm dịch theo Thông tư 36 và hồ sơ đăng ký kiểm tra ATTP theo Nghị định 15. Điều này đã gia tăng thêm thủ tục hành chính, chi phí và thời gian thực thi cho các doanh nghiệp thủy sản lẫn các cơ quan quản lý Nhà nước.

Giải quyết vấn đề này, ngày 8/3, Cục Thú y đã ban hành Công văn 358/TY-KD về việc kiểm dịch, kiểm tra ATTP đối với các lô hàng sản phẩm động vật, thủy sản nhập khẩu làm thực phẩm gửi Tổng cục Hải quan. Đồng thời đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo các cơ quan Hải quan cửa khẩu làm thủ tục thông quan hàng hóa cho các lô hàng đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu quy định tại Thông tư số 35/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT.

Tháo gỡ từ đâu?

Đây không phải là lần đầu tiên các doanh nghiệp thủy sản “kêu cứu” và VASEP gửi kiến nghị đến cơ quan quản lý nhà nước, mà hầu như năm nào doanh nghiệp cũng “vấp” phải khó khăn từ thủ tục hành chính.

Đơn cử như cách đây mấy tháng, VASEP cũng đã gửi Công văn số 142/2018/CV-VASEP tới Cục Thú y nêu những vướng mắc về thủ tục nhập khẩu nguyên liệu thủy sản cho sản xuất xuất khẩu. Cụ thể, VASEP cho rằng, về thực tiễn, các doanh nghiệp thủy sản khẳng định việc nhập khẩu nguyên liệu hải sản từ các tàu khai thác (trực tiếp từ tàu hoặc tàu sẽ phân bổ vào các container để vận chuyển tới nơi nhập khẩu đều không qua bất cứ công đoạn chế biến nào ở nhà xưởng trên đất liền) là một thông lệ quốc tế và Việt Nam là một quốc gia cũng tham gia trong chuỗi giao thương bình thường này từ trước đến nay.

Nhưng thực tế, không phải tàu đánh bắt nào cũng có điều kiện đưa tàu trực tiếp vào các cảng của Việt Nam để dỡ hàng mà đa phần các tàu đều cập tại các cảng của một quốc gia trung gian trong hành trình đánh bắt để đưa nguyên liệu vào các container chuyên dụng rồi bán lại cho các thị trường nhập khẩu, trong đó có Việt Nam. Do các lô hàng này chỉ chuyển tải trung gian qua cảng của các quốc gia này nên Cơ quan có thẩm quyền tại các quốc gia có cảng trung gian không thể cấp Giấy Chứng nhận Kiểm dịch/ATTP – Health Certificate cho các lô hàng này được. Vì thế, toàn bộ các lô hàng này không thể có Giấy Chứng nhận kiểm dịch/ATTP – Health Certificate kèm theo để nộp cho Cơ quan thú y khi nhập khẩu vào Việt Nam. Vụ việc này sau đó cũng đã được giải quyết, tuy nhiên, việc nhiều container thủy sản bị ách tại các cảng đã gây mất thời gian và tổn thất cho doanh nghiệp.

 Bất cập trong thủ tục hành chính với các doanh nghiệp thủy sản không phải hiếm, thế nhưng, ngay tại gốc rễ vấn đề cũng đã có khập khiễng nhất định trong các văn bản.

Theo nội dung trong công văn mới đây của Cục Thú y nêu rõ, theo phản ánh của các cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu thuộc Cục Thú y, quy định tại Điều 18 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về hồ sơ đăng ký kiểm tra tự công bố sản phẩm. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thì sản phẩm động vật trên cạn, thủy sản đông lạnh chưa qua chế biến, chưa đóng gói sẵn nhập khẩu không thuộc đối tượng tự công bố sản phẩm. Cục Thú y đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét chủ trì kiến nghị với Chính phủ để sửa đổi nội dung, tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Và như vậy, những thủ tục không thống nhất đã vô tình tạo ra những vướng mắc cho doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước.

>> Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thủy sản, việc phát sinh này không chỉ thủ tục và hồ sơ, kéo theo đó là thời gian để lấy mẫu, kiểm nghiệm, hoàn thiện hồ sơ và chờ nhận cấp giấy mới. Bất cấp này gia tăng thêm nhiều thứ cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan nhà nước.

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *