Gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản về hạn ngạch xuất khẩu và chỉ tiêu kháng sinh

Chỉ tiêu kháng sinh “quá nghiêm ngặt” của Nhật Bản 

Theo VASEP, thời gian qua, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam liên tục phản ánh về những bất cập liên quan đến quy định nghiêm ngặt của Nhật Bản đối với ngưỡng chấp nhận chỉ tiêu kháng sinh Doxycycline (thuộc nhóm Tetracycline) trong hàng thủy sản xuất khẩu vào nước này. 

Hạn ngạch xuất khẩu và chỉ tiêu kháng sinh đang là rào cản của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Ảnh minh họa

Đến nay, theo quy định hiện hành của Nhật Bản, nước này mới chỉ quy định mức MRL của Doxycycline trong sản phẩm của Bộ cá vược là 50 ppb và chưa quy định mức MRL đối với các sản phẩm thủy sản khác. Tuy nhiên, đối với các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh chưa có quy định mức MRL, sẽ áp dụng chung mức 10 ppb, chỉ bằng 1/10 ngưỡng chấp nhận tối đa của nhiều quốc gia khác.

Hiện, Doxycycline vẫn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam. Ngoài ra, nhiều nước nhập khẩu thủy sản không quy định cấm sử dụng và không kiểm tra dư lượng loại kháng sinh này trong sản phẩm thủy sản nuôi nhập khẩu. Một số thị trường như EU, Trung Quốc, New Zealand mặc dù có quy định về chỉ tiêu này với mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) là 100 ppb, tuy nhiên đây là mức được cho là phù hợp mà Việt Nam hoàn toàn có thể kiểm soát được. Quy định quá nghiêm ngặt từ phía Nhật Bản đã gây ra nhiều khó khăn và bất lợi cho các sản phẩm thủy sản của nước ta xuất khẩu đến thị trường này. 

Theo đó, ngày 16/4, VASEP đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT báo cáo và đề xuất việc tham vấn, kiến nghị với cơ quan chức năng của Nhật Bản về những bất cập trong ngưỡng chấp nhận chỉ tiêu kháng sinh Doxycycline áp dụng trong kiểm soát thủy sản nhập khẩu. VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, có ý kiến với cơ quan chức năng của Nhật Bản về việc điều chỉnh mức giới hạn MRL đối với kháng sinh Doxycycline ngang bằng với mức của các quốc gia khác như EU, Trung Quốc, New Zealand đang kiểm soát, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm vào thị trường này.  

“Hẹp đường” xuất khẩu tôm vào Hàn Quốc

Khó khăn tại thị trường Nhật Bản vẫn còn đang bỏ ngỏ thì từ phía Hàn Quốc lại xuất hiện nhiều rào cản liên quan đến hạn ngạch đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này. 

Theo VASEP, thời gian qua, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) đã có nhiều tác động tích cực tới các sản phẩm xuất khẩu giữa hai nước. Theo lộ trình, năm 2024, hầu hết các dòng hàng thủy sản sẽ được áp mức thuế về 0%. Tuy nhiên, theo cam kết về hạn ngạch tại Phụ lục 2A-1 về quản lý hạn ngạch thuế quan của Hàn Quốc tại Văn kiện VKFTA, hiện vẫn còn nhóm 7 dòng sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam vào Hàn Quốc đang chỉ được hưởng ưu đãi thuế quan theo cơ chế hạn ngạch. Cụ thể, Hàn Quốc chỉ miễn thuế nhập khẩu cho Việt Nam theo VKFTA cho 15.000 tấn/năm (mức hạn ngạch áp dụng từ năm 2020). Khối lượng sản phẩm nhập khẩu vượt quá mức hạn ngạch này sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan theo VKFTA mà phải chịu mức thuế cơ sở là 20%.

Trong khi đó, đối chiếu với biểu thuế nhập khẩu của Việt Nam cập nhật mới nhất trong năm 2024, toàn bộ các ngành hàng thủy sản nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam đều được áp mức thuế 0%. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn mở cửa với thủy sản Hàn Quốc nhưng đổi lại vẫn bị áp hạn ngạch xuất khẩu tôm sang nước này. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có quyền đề nghị Hàn Quốc gỡ bỏ cơ chế hạn ngạch thuế quan đối với tôm đông lạnh Việt Nam theo VKFTA, nhằm bảo vệ thị phần và lợi ích lâu dài của ngành tôm Việt Nam tại thị trường này. Từ góc độ pháp lý, đây là cơ chế đã được dự kiến trong VKFTA với cam kết tại khoản 2, Điều 2.3, Chương 2, Văn kiện VKFTA.

VASEP đã đề nghị Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành xem xét và khởi động việc đề nghị tham vấn với Hàn Quốc để gỡ bỏ hạn ngạch hiện tại đối tôm từ Việt Nam vào Hàn Quốc. Hành động này hỗ trợ người tiêu dùng Hàn Quốc được tiếp cận nhiều hơn với tôm Việt Nam cùng mức giá tốt, đồng thời đảm bảo sự công bằng cho con tôm Việt Nam.

Theo đánh giá của VASEP, trong bối cảnh Hàn Quốc đang phải đối mặt với thách thức lạm phát cao, giá thực phẩm tăng phi mã như hiện nay, Chính phủ nước này sẽ sẵn sàng xem xét các giải pháp nhằm giảm giá thực phẩm nhập khẩu. Do đó, chúng ta có lý do để tin rằng các đề xuất về việc điều chỉnh thuế quan VKFTA cho ngành tôm Việt Nam xuất khẩu tại Hàn Quốc chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình và ủng hộ từ phía nước bạn. 

Ngọc Minh (Tổng hợp)

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *