Gian truân đường đua về đích
Nỗi lo dịch bệnh
Sau khi các tỉnh chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, số lao động của hầu hết các doanh nghiệp ngành tôm đều tăng lên đáng kể giúp hoạt động sản xuất nhanh chóng phục hồi. Điều đó được thể hiện qua giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm tháng 9 tuy có giảm nhưng đã có sự hồi phục so tháng 8. Nhưng ngay trong thời điểm chuẩn bị tăng tốc này, doanh nghiệp ngành tôm đón nhận ngay cú sốc mới về sự xuất hiện của các ca F0 COVID-19 tại một số nhà máy chế biến tôm trong khu vực ĐBSCL. Đầu tiên là một ca F0 qua xét nghiệm sàng lọc tại một nhà máy chế biến tôm ở Cà Mau, sau đó là đến Sóc Trăng và mới đây, Bạc Liêu cũng có 2 nhà máy sơ chế tôm phát hiện có nhiều ca F0.
Không chỉ gây khó khăn cho giai đoạn nước rút để về đích năm 2021, sự xuất hiện của dịch COVID-19 còn gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người lao động và lãnh đạo các doanh nghiệp. Theo lãnh đạo Công ty CP Thực phẩm Sao Ta và Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, sau khi Sóc Trăng xuất hiện ổ dịch COVID-19 ở một doanh nghiệp chế biến tôm, cùng với đó là lượng F0 từ dòng người lao động hồi hương đã khiến số lao động tại các xã có F0 phải nghỉ việc do không được ra vào như trước, làm cho số lao động tại doanh nghiệp giảm đi 400 – 500 người. Niềm vui và sự hứng khởi trong ngày trở lại của doanh nghiệp có phần giảm xuống, trong khi nỗi lo dịch lại luôn canh cánh bên mình.
Sự lo lắng của doanh nghiệp là có thể hiểu được khi bên cạnh sự thúc bách về thời gian, số lượng hàng hóa phải giao theo hợp đồng thì hiện chỉ mới có số lao động làm việc giai đoạn “3 tại chỗ” là được tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19, còn lại phần lớn là chưa tiêm mũi nào. Công tác đảm bảo an toàn cho người lao động bắt đầu được tăng cường ở mức cao hơn, nên chi phí theo đó cũng tăng dần lên. Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, cho biết: “Số lao động hiện của Công ty chỉ mới bằng 60 – 70% so bình thường và trong số này chỉ có khoảng 40% được tiêm vaccine 2 mũi, còn lại chưa tiêm mũi nào, nên Công ty phải làm rất kỹ việc rà soát, xét nghiệm từng ca, từng đối tượng vào nhà máy khiến chi phí sản xuất tăng lên rất cao”. Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam, hiện các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… đang ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng trong chuỗi ngành thủy sản, nhưng điều đó cũng chưa thể làm vơi hết nỗi lo của doanh nghiệp khi số liệu công bố số ca F0 hàng ngày của các tỉnh trọng điểm ngành tôm này vẫn còn cao.
Gánh nặng nguyên liệu
Bên cạnh nỗi lo dịch COVID-19, thì việc thiếu tôm nguyên liệu cũng là một gánh nặng ngày một lớn hơn khi nguồn tôm nguyên liệu đang cạn dần do đã vào cuối vụ tôm, trong khi nhà nhập khẩu thì đang hối thúc doanh nghiệp giao hàng kịp tiến độ. Theo ông Võ Văn Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chế biến Thủy sản và XNK Cà Mau (Camimex), hiện nay lượng tôm nguyên liệu không còn nhiều do trong giai đoạn giãn cách xã hội giá tôm xuống rất thấp, người nuôi thua lỗ nhiều, nên phần lớn đều không thả nuôi tiếp. Ông Sơn nhận xét: “Với tình hình này, chắc chắn giá tôm nguyên liệu sẽ còn tăng mạnh do các doanh nghiệp đều tăng cường thu mua để đảm bảo đủ lượng giao theo hợp đồng đã ký kết. Riêng Camimex, qua 9 tháng doanh số xuất khẩu đã đạt 42 triệu USD và chúng tôi phấn đấu đến cuối năm sẽ đạt khoảng 62 triệu USD trở lên”.
Dù đã được dự báo từ trước và có sự chủ động thu mua dự trữ trong giai đoạn giãn cách xã hội, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều lâm vào cảnh thiếu nguyên liệu cho nhu cầu chế biến từ nay đến cuối năm tăng cao. Theo ông Phục, lượng tôm nguyên liệu về nhà máy gần đây chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu công suất chế biến. Vì vậy, giá tôm gần đây mỗi ngày đều tăng lên 2 – 3 lần, mỗi lần tăng ở mức 1.000 – 2.000 đồng/kg ở tất cả các kích cỡ. Ông Phục nhận định: “Từ nay đến cuối năm, tôm nguyên liệu chẳng những thiếu mà còn thiếu trầm trọng, nên giá tôm sẽ còn được đẩy lên cao. Do đó, chỉ những doanh nghiệp nào có nguồn tôm dự trữ lớn và hợp đồng mới giá cao thì mới có hy vọng vượt qua thời điểm khó này, còn ngược lại, khả năng thua lỗ là rất cao”.
Hiện nay, những vùng nuôi tôm tại ĐBSCL đã vào cuối vụ, trong khi đợt thả nuôi vụ nghịch năm nay không nhiều, nên lượng tôm thu hoạch từ nay đến cuối năm sẽ không lớn. Tại Sóc Trăng, nơi có vùng nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh lớn nhất cả nước, đến hết tháng 9 đã thả nuôi hơn 48.000 ha, sản lượng tôm thu hoạch trên 146.000 tấn. Với diện tích chưa thu hoạch hơn 13.000 ha, nếu tình hình nuôi tốt như dự kiến, các doanh nghiệp Sóc Trăng sẽ có nhiều lợi thế hơn trong cuộc đua về đích này. Thực tế cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm của tỉnh vẫn tăng khá và theo các doanh nghiệp, nếu tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, khả năng hoàn thành chỉ tiêu doanh số xuất khẩu là có thể thực hiện được.
Ở một tín hiệu tích cực khác, nhờ có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa nên một số doanh nghiệp đã trở lại đường đua khá nhanh và bắt đầu tăng tốc, như trường hợp của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta. Theo công bố của doanh nghiệp này, trong tháng 9 đã chế biến được 2.499 tấn tôm, bằng 104,5% so cùng kỳ năm 2020; kim ngạch xuất khẩu 21,7 triệu USD, bằng 121,2% cùng kỳ. Còn tính chung 9 tháng đầu năm, Sao Ta có doanh số xuất khẩu 154,6 triệu USD, bằng 111,9% cùng kỳ và đạt 77,3% kế hoạch năm. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết: “Ngoài lượng tôm dự trữ, Sao Ta còn trên 200 ha tôm nuôi chưa thu hoạch, nên khó khăn về nguyên liệu sẽ ít hơn so những doanh nghiệp khác và khả năng vẫn hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch doanh số xuất khẩu năm 2021”. Còn tại Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam, Tổng Giám đốc Võ Văn Phục cho hay, khả năng đến cuối năm, doanh nghiệp sẽ có doanh số xuất khẩu từ bằng đến cao hơn năm ngoái.
>> Phần lớn doanh nghiệp ngành tôm đều cho biết, tuy có khó khăn nhưng doanh số xuất khẩu năm nay sẽ không thấp hơn năm trước và nếu thuận lợi có thể sẽ cao hơn đôi chút. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng thừa nhận, dù có đạt doanh số thì lợi nhuận cũng không cao do hầu hết các chi phí từ nguyên liệu, vật tư đầu vào, nhân công cho đến phòng, chống dịch và logistics đều tăng rất mạnh. |
An Xuyên
Bình luận gần đây