Gian nan gỡ “thẻ vàng” thủy sản
Các địa phương chưa thực sự quyết liệt triển khai các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” của EC.
Đã qua gần 2 năm, thủy sản nước ta bị Liên minh châu Âu (EU) áp dụng “thẻ vàng” cảnh cáo, thế nhưng đến nay vẫn chưa gỡ bỏ được, do tình trạng vi phạm khai thác hải sản trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp. Đây là thông tin tại hội nghị “Triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức chiều 23/4/2019 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, thực hiện nhiệm vụ khắc phục những cảnh báo theo yêu cầu của EU, thời gian qua, công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, đặc biệt là vùng biển xa bờ ở nước ta đã được tăng cường. Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển (Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Hải quân, Biên phòng) đã thực hiện tốt việc kiểm tra, kiểm soát trên biển.
Nguy cơ bị “thẻ đỏ”
Tuy nhiên, theo ông Hùng, sau gần 2 năm thực hiện các khuyến nghị của EC, kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu. Công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo độ tin cậy. Việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng còn hạn chế cũng như việc thực thi pháp luật chống khai thác IUU chưa nghiêm, hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu…
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2018 đã xảy ra 85 vụ với 137 tàu/1.162 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài; tăng 28 vụ và 46 tàu/379 ngư dân so với năm 2017. Từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp, với 16 vụ, 26 tàu/96 ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Các tỉnh có nhiều tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý gồm: Kiên Giang; Bà Rịa-Vũng Tàu; Bình Định; Bến Tre; Cà Mau; Bạc Liêu; Bình Thuận.
Lực lượng Biên phòng nước ta đã tiếp nhận, điều tra, xác minh 155 ngư dân và 4 tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ được trao trả về nước; xử lý vi phạm hành chính 14 trường hợp tàu cá ngư dân ta vi phạm vùng biển nước ngoài. Lực lượng Cảnh sát biển đã lập biên bản 6 tàu cá Việt Nam có hành vi đánh bắt hải sản ở phía Nam đường phân định thềm lục địa Việt Nam – Indonesia.
Ông Nguyễn Quang Hùng thông tin, dự kiến cuối tháng 5, đầu tháng 6/2019, Đoàn thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của Ủy ban châu Âu (DG-Mare) tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Nếu kết quả kiểm tra trên thực tế không đáp ứng được các khuyến nghị của EC thì nguy cơ cao thủy sản Việt Nam sẽ bị áp dụng biện pháp “Thẻ đỏ”.
Tập trung vào 4 nội dung mà EC khuyến nghị
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng: “Qua kiểm tra cho thấy, các địa phương chưa thực sự quyết liệt triển khai các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” của EC, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành vào cuộc rất quyết liệt.
“Đích thân tôi đã xuống từng cảng cá, mở từng quyển sổ ra kiểm tra việc xác nhận của lực lượng Biên phòng và các lực lượng khác là chưa chặt chẽ và đồng bộ. Bên cạnh đó, hạ tầng neo đậu tránh trú bão chưa đáp ứng yêu cầu; việc nâng cấp cảng cá, hậu cần nghề cá chưa được quan tâm; nguồn nhân lực quản lý thủy sản chưa đủ; ghi chép báo cáo mới đạt 21,2%. Như vậy, việc truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt theo yêu cầu của EC là chưa được”, ông Tiến nói.
Tổng cục Thủy sản kiến nghị, Văn phòng Chính phủ cần sớm trình Thủ tướng ban hành nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; sớm thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống khai thác IUU. Các bộ, ngành có liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển cần nỗ lực tập trung nguồn lực, kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các khuyến nghị của EU đều trùng với quyết tâm của chúng ta nhằm xây dựng nghề cá bền vững. EU cũng đã ghi nhận những nỗ lực thực hiện trong thời gian qua.
Tuy nhiên, còn 4 nội dung mà EC khuyến nghị vẫn chưa đáp ứng, trong đó nổi lên là tình hình tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép vẫn tiếp diễn phức tạp. Hầu hết các hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản được kiểm tra không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, các lỗi được phát hiện trong quá trình kiểm tra phần lớn đều nằm trong lỗi hệ thống kiểm soát trong chuỗi; cơ sở vật chất hạ tầng chưa đáp ứng; nguồn nhân lực cho quản trị còn rất nhiều vấn đề.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục tổ chức triển khai Luật Thủy sản 2017, tập trung vào một số nội dung trọng tâm liên quan tới chống khai thác IUU. Đồng thời, bộ chỉ đạo lực lượng kiểm ngư phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển.
Yêu cầu các địa phương phải thực hiện cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá, bao gồm cấp phép cho tàu dịch vụ hậu cần nghề cá ngay khi Nghị định 26/2019/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 25/4/2019, đảm bảo 100% tàu cá được cấp giấy phép theo quy định trước tháng 7/2019…
Chu Khôi
Theo VNEconomy
Bình luận gần đây