Giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Bài toán chi phí thức ăn

Hiện, Việt Nam trở thành một trong những nhà xuất khẩu tôm hàng đầu trên thế giới. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 4,3 tỷ USD, chiếm 15% thị phần xuất khẩu tôm toàn cầu. Tuy nhiên, giá tôm Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước khác, đặc biệt là Ấn Độ và Ecuador.

Nuôi thâm canh nhiều giai đoạn, có nguồn vốn tín dụng là một trong những giải pháp giảm giá thành sản xuất tôm

Nguyên nhân khiến chi phí sản xuất tôm tại Việt Nam cao hơn là do các yếu tố như: Chi phí thức ăn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống nhập khẩu tôm bố mẹ cao; chi phí hóa chất, kháng sinh,… Đặc biệt, nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy phát điện để bơm nước, quạt khí, phát điện,…

Trao đổi với phóng viên Đặc san Con Tôm, đại diện các doanh nghiệp sản xuất thức ăn cũng như doanh nghiệp nuôi tôm lớn đều thừa nhận, giá thức ăn tôm ở Việt Nam thời gian qua luôn cao hơn so với các quốc gia nuôi tôm khác. Tuy nhiên, nếu lấy giá xuất xưởng từ các nhà máy thì mức độ chênh lệch của giá thức ăn tôm trong nước cũng không quá cao so với một số nước nuôi tôm khác.

Thế nhưng, tại Việt Nam, với tỷ lệ 70 – 80% là hộ nuôi nhỏ lẻ và mức độ hợp tác, liên kết sản xuất chưa cao, nên phần đông người nuôi đều không thể mua thức ăn tôm trực tiếp từ nhà sản xuất hay đại lý cấp I, mà phải mua qua đại lý cấp II, cấp III, với mức giá tất nhiên là phải cao hơn so với giá nhà máy. Mức giá này chênh lệch bao nhiêu còn tùy thuộc vào từng địa bàn, vùng nuôi cụ thể và đặc biệt là hình thức mua bán.

Giảm tính cạnh tranh

Giá thành tôm nuôi được cấu thành từ 2 yếu tố chính là: Chi phí đầu vào và sản lượng tôm thu hoạch qua mỗi vụ nuôi (hay còn gọi là tỷ lệ thành công). Tuy nhiên, do tỷ lệ nuôi thành công chung chỉ ở mức 40% như thống kê của Bộ NN&PTNT, cùng với đó là chi phí đầu tư cao (như đã phân tích ở trên) nên giá thành tôm nuôi của Việt Nam luôn cao hơn các nước nuôi tôm lớn trên thế giới. Đây là điều khiến cho cả người nuôi, nhà chế biến, nhà quản lý đều âu lo, bởi nó làm cho việc tiêu thụ trở nên khó khăn hơn, tính cạnh tranh ngày một giảm sút hơn.
Các mắt xích còn lại chuỗi giá trị con tôm cũng đã xác định, chính tỷ lệ nuôi thành công thấp quá là nguyên nhân chính khiến giá tôm ta đội giá tôm thế giới, chứ không phải ở chi phí đầu vào.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ nuôi tôm Việt Nam thấy như: Chất lượng tôm giống còn thấp, mật độ thả nuôi cao; quy trình nuôi, quy mô nuôi nhỏ lẻ đầy bất lợi; người nuôi thiếu vốn, nuôi tự phát phá vỡ quy hoạch khiến thủy lợi và các nền tảng hạ tầng khác không kịp thời đáp ứng khiến các ao nuôi không đủ nước sạch nuôi thậm chí các cơ sở nuôi còn gây nhiễm khuẩn, nhiễm bệnh chéo cho nhau,…

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

Quan trọng nhất là kỹ thuật nuôi

Đóng góp lớn vào việc giảm giá thành nằm ở khâu tổ chức sản xuất. Liên kết chuỗi chỉ là một phần, quan trọng nhất là kỹ thuật nuôi. Nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh mà để tỷ lệ rủi ro (tôm chết trong quá trình nuôi) cao như hiện nay thì khó giảm chi phí. Vì vậy, cơ quan chuyên môn, các viện, trường cần tập trung hỗ trợ địa phương sớm tìm kiếm giải pháp kỹ thuật cho các mô hình nuôi, giảm tỷ lệ rủi ro, đặc biệt cho mô hình nuôi thâm canh, siêu thâm canh.

Ông Nguyễn Hoàng Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bạc Liêu

Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi

Chi cục có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người nuôi tôm tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; nghiên cứu xây dựng mô hình thí điểm cung cấp tín dụng qua liên kết chuỗi để triển khai thực hiện. Hướng dẫn kỹ thuật, khuyến cáo người nuôi thực hiện tốt việc cải tạo ao đầm nuôi đảm bảo thời gian ngắt vụ và mật độ thả nuôi hợp lý. Đặc biệt, khuyến khích các công ty thức ăn nuôi tôm, các công ty cung ứng vật tư đầu vào hãy đồng hành cùng người nuôi tôm để giảm giá thành sản xuất.

Giải pháp cải thiện

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng, sở dĩ tôm Việt vẫn còn bán được ở thời điểm hiện tại và thậm chí trong 1 vài năm nữa là nhờ vào lợi thế trình độ chế biến cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

“Về cạnh tranh, rõ ràng Việt Nam đang là quốc gia có lợi thế về sản phẩm giá trị gia tăng, trong khi đối thủ vẫn đang tập trung vào các sản phẩm mang tính chất là sản phẩm thô, cho nên, chúng ta vẫn bán được, dù giá cao hơn”, ông Hòe giải thích. Tuy nhiên, ông cho rằng, bên cạnh tối ưu về lợi thế chế biến, thì Việt Nam cần phải tính đến câu chuyện giảm giá thành trong dài hạn nhằm duy trì được sức cạnh tranh cho ngành tôm.

Do đó, để đảm bảo sản xuất hiệu quả, cải thiện tỷ lệ nuôi thành công, cần tập trung giải pháp cho các vấn đề nêu trên. Trước tiên, cần tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác gắn với liên kết chuỗi sản xuất và điều tiết thị trường để người nuôi tôm tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng, các sản phẩm đầu vào với mức giá và lãi suất phù hợp.

Theo TS Nguyễn Duy Hòa – Giám đốc kỹ thuật toàn cầu ngành hàng Empyreal & Motiv Cargill Inc, ứng dụng nuôi thâm canh cho năng suất cao và thanh toán đầu vào bằng tiền mặt chính là một trong những mấu chốt của giải pháp giảm giá thành tôm nuôi. Minh chứng thêm cho nhận định trên, TS Hòa dẫn chứng một số mô hình ao sâu 2,5 – 3 m, nuôi thâm canh nhiều giai đoạn kết hợp thu tỉa cho năng suất rất cao. Đồng thời, nếu mua thức ăn, vật tư đầu vào khác bằng tiền mặt thì tính ra giá thành tôm cỡ 35 con/kg chỉ khoảng 70.000 đồng. Trong khi đó, tôm Ecuador cỡ 50 con/kg giá thành là 2,5 USD/kg. Như vậy, nếu nuôi đạt năng suất cao và mua vật tư đầu vào bằng tiền mặt, giá thành sẽ rẻ hơn rất nhiều so với tôm Ecuador.

Còn theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, để giảm tỷ lệ tôm chết, một trong những giải pháp là quy hoạch lại vùng nuôi tôm, đồng thời đẩy mạnh mô hình hợp tác xã, thay vì làm nhỏ lẻ thì gom lại thành vùng nuôi lớn. Ngoài ra, ông Lực kiến nghị sửa đổi luật đất đai, nâng hạn điền lên, để nhà đầu tư mạnh dạn đi mua gom, có diện tích đất sở hữu lớn, đầu tư trang trại, tỷ lệ thành công sẽ cao hơn. Ngành cũng cần có chủ trương thành lập dự án kêu gọi đầu tư nuôi tôm, tăng được số trang trại để sớm nâng tầm con tôm lên.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, chi phí sản xuất tôm tại Việt Nam dao động từ 3,5 – 4,2 USD/kg, trong khi chi phí sản xuất tôm tại Ấn Độ và Ecuador chỉ khoảng 2,7 – 3 USD/kg và 2,2 – 2,4 USD/kg.

Xuân Trường

You may also like...

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *