Giải pháp “hạ nhiệt” chi phí logistics
“Gánh nặng” chi phí
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí logistics (vận tải, lưu kho, làm thủ tục hải quan…) ở Việt Nam bằng khoảng 20,9 – 25% GDP. Trong khi, chi phí trung bình chiếm 12% tổng sản phẩm nội địa thế giới. Trong đó, chi phí cho vận tải chiếm khoảng 60%, mức chi phí cao so các nước phát triển. Mức chi phí này cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12%, còn so với Singapore thì cao hơn tới 3 lần.
Báo cáo cập nhật ngành logistics của SSI Research mới đây cho thấy, việc lưu thông và phân phối hàng hóa đang xảy ra tình trạng tắc nghẽn và gián đoạn khiến giá cước tăng lên mức kỷ lục. Năm 2020, cước một số tuyến vận tải kết nối châu Á với châu Âu và Bắc Mỹ đã tăng khoảng 4 – 8 lần. Năm nay, cước vận tải biển trên một số tuyến tăng gấp 5 lần so với trước đây. SSI Research cho rằng, giá cước có thể đạt đỉnh vào quý IV/2021, sau đó sẽ điều chỉnh nhẹ vào nửa đầu năm 2022. Giá cước có thể giảm đáng kể trong năm 2023 khi nguồn cung tàu mới đi vào hoạt động, nhưng duy trì ở mức cao hơn mặt bằng trước đại dịch.
Nguyên nhân được nhận định là do các công ty vận tải biển thực hiện cắt giảm công suất trên quy mô lớn, tình trạng tắc nghẽn cảng diễn ra nghiêm trọng, mất cân bằng thương mại gia tăng, tình trạng thiếu container rỗng và một số cảng lớn đóng cửa một phần. Bên cạnh đó, SSI cũng nhận thấy một số yếu tố dẫn tới mức giá cước cao trong dài hạn như chi phí nhiên liệu cao hơn, xu hướng tăng kích thước tàu container và ảnh hưởng của các liên minh hàng hải.
Phản ánh của các doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực trong đó có thủy sản cho thấy, chi phí logistics có sự gia tăng mạnh từ năm 2020 tới nay về cước vận tải và tình trạng thiếu container. Ở một số cảng, giá đã tăng gấp đôi so với giá mấy tháng trước và gần gấp 6 lần so giá đầu năm 2020. Ví dụ, giá vận tải container từ Việt Nam đi cảng Southampton (Anh) đầu năm 2020 là 1.600 USD/container, đến tháng 5/2021 đã lên tới 9.100 USD/container. Tương tự, giá vận tải container từ Việt Nam đi cảng Los Angeles (Mỹ) đầu năm 2020 là 1.800 USD/container, song đến tháng 5/2021 là 8.000 USD/container…
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam cho biết, không chỉ khó khăn về tiền tàu, mà phí lưu kho tăng, lưu công, lưu bãi tăng, phí ngân hàng tăng, các chi phí giao dịch tăng khiến hoạt động của Hải Nam không có hiệu quả và lỗ. Sáu tháng đầu năm nay, doanh nghiệp đối diện lỗ nhưng vẫn cố duy trì sản xuất.
Không chỉ chi phí logistics quốc tế tăng cao, thông tin từ VCCI, chi phí logistics nội địa cũng chiếm tỷ lệ quá cao trong giá thành sản phẩm (30% giá thành nông sản, 12% giá thành thủy sản, 23% giá thành đồ gỗ…), ảnh hưởng đáng kể tới tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Giải pháp tháo gỡ
Theo Drewry, giá cước bình quân có thể tăng 23% trong năm nay và có thể giảm nhẹ khoảng 9% trong năm 2022 do nhu cầu trở lại mức bình thường; trong khi giá cước dài hạn dự kiến sẽ vẫn cao hơn mức trước dịch COVID-19, vì các hãng vận tải có nhiều kinh nghiệm hơn trong quản lý nguồn cung và tăng hợp tác.
Xung quanh các giải pháp để “hạ nhiệt” chi phí logistics, các ý kiến cho rằng, đây không còn là vấn đề của riêng doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ này mà là nhiệm vụ chung của nền kinh tế, đòi hỏi sự tiếp sức rất lớn từ cơ chế chính sách và sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng đưa ra khuyến nghị rằng, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu của Việt Nam cũng cần nhanh chóng nâng cao năng lực, tránh phụ thuộc quá nhiều vào các môi giới, đại lý dẫn đến bị chính các đầu mối trung gian này làm giá. Để đảm bảo sự minh bạch trong thị trường giá các chủ hàng cũng như hiệp hội của Việt Nam cần nâng cao năng lực đàm phán với các hãng tàu. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, cần tiếp tục thúc đẩy chuyển số đưa những sàn giao dịch số cũng như những công cụ ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản mối quan hệ giữa đơn vị xuất, nhập khẩu với hãng tàu.
Ngọc Ngọc
Bình luận gần đây